Những cây cầu trọng điểm dưới đây được TP. HCM dự kiến khởi động vào trong năm nay hoặc năm sau.

TP. HCM có hệ thống kênh rạch lớn bao quanh, những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn không chỉ giúp kết nối giao thông đôi bờ mà còn góp phần mở rộng không gian vùng lõi đô thị, phát triển kinh tế TP. HCM.

Vì vậy, TP xác định quy hoạch sông Sài Gòn là nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch đô thị mới. Trong quy hoạch thời kỳ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bổ sung nhiều cây cầu lớn, là bước đột phá trong phát triển kinh tế vừa đảm bảo việc bảo tồn giá trị di sản của dòng sông gắn liền với lịch sử.

Cầu Cần Giờ

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phần cầu và đường dẫn của cầu Cần Giờ có chiều dài hơn 8km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 11.087 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao đường số 2 – đường số 15 B, khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc, sau đó sẽ vượt qua sông Soài Rạp, sông Chà để kết nối với huyện Cần Giờ. Điểm cuối của dự án kết nối vào đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam.

Empty

Phối cảnh hiện đại của cầu Cần Giờ. Ảnh Internet

Phà Bình Khánh hiện là cầu nối giữa huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè, trở thành phương tiện kết nối cho người dân suốt nhiều năm qua. Khu vực phà Bình Khánh thường xuyên xảy ra ùn ứ, các phương tiện nối đuôi nhau, xếp hàng dài để đi qua phà, người dân có lúc phải chờ phà từ 2-3 giờ đồng hồ.

Vì vậy, người dân rất chờ đợi cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ thay phà Bình Khánh, vốn đã quá tải nhiều năm nay, giúp kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào 30/4/2025 và hoàn thành trong năm 2028.

Cầu Thủ Thiêm 4

Empty

Cầu Thủ Thiêm sẽ được khởi công vào năm tới. Ảnh Internet

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 qua sông Sài Gòn, nối quận 7 và quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự kiến trên 6.000 tỷ đồng…

Theo đề xuất, cầu Thủ Thiêm 4 được thiết kế có nhịp chính nâng và hạ để tàu, thuyền thuận tiện chạy trên sông Sài Gòn. Tĩnh không khai thác bình thường 15m và có thể nâng lên 45m thông qua hai trụ tháp cùng hệ thống nâng.

Công trình có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh (1), đi dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, rẽ trái tại ngã tư Huỳnh Tấn Phát (2) nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7). Sau đó công trình tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối khu đô thị mới Thủ Thiêm tại giao lộ đường Nguyễn Cơ Thạch – Bùi Thiện Ngộ. Tại các nút giao (1) và (2) sẽ xây các cầu vượt.

Dự án sẽ trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay và khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.

Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn

gg.jpg

Cầu đi bộ vượt sông được một doanh nghiệp tài trợ 1.000 tỷ đồng. Ảnh Internet

Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nối Quận 1 và TP Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, do doanh nghiệp tài trợ 100%.

Cầu dài 500m, nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Vị trí phía quận 1 nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía bờ thành phố Thủ Đức nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía Nam quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu sẽ có hình tượng lá dừa nước – hình ảnh quen thuộc của miền Nam. Ngoài phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật.

Nhà tài trợ đang hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến trình UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7 năm nay. TP. HCM đặt mục tiêu khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30/4/2025.

Cầu đường Bình Tiên

4

Vị trí dự án cầu đường Bình Tiên. Ảnh: Vietnamfinance

Dự án cầu đường Bình Tiên dự kiến được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng.

Sở GTVT TP. HCM sẽ chi gần 3,3 tỷ đồng cho 4 gói thầu: Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; tư vấn khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2km, rộng 30-40m, điểm đầu tại nút giao Bình Tiên – Phạm Văn Chí (Quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (Quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Dự án có điểm đầu tuyến tại nút giao đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí hiện hữu, thuộc địa bàn quận 6. Điểm cuối tại nút giao với đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

Đến quý I và quý II-2025 sẽ lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án. Quý III-2025 sẽ lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án PPP. Đến quý IV-2025 hoặc quý I-2026 sẽ tiến hành khởi công dự án cầu đường Bình Tiên. Và dự kiến trong năm 2028 sẽ khai thác dự án cầu đường Bình Tiên.

Cầu đường Nguyễn Khoái

Empty

Thiết kế của cầu vượt Nguyễn Khoái. Ảnh: Vietnamfinance

Cầu vượt Nguyễn Khoái có tổng vốn hơn 3.700 tỷ đồng, dài gần 5km (phần cầu dài khoảng 2,5km, rộng 6,5-25,5m và phần đường dài hơn 2,3km, rộng 26,5-61,5m).

Năm 2017, thành phố đã lên kế hoạch khởi công xây cầu Nguyễn Khoái nhưng không triển khai được do thiếu vốn và một phần do UBND quận 4 lo ngại dự án tạo thêm điểm ùn tắc mới, trong bối cảnh khu vực này luôn kẹt xe nghiêm trọng, nên kiến nghị điều chỉnh phương án cho phù hợp.

Sau đó, cầu được điều chỉnh với điểm bắt đầu từ đường D1 (kết nối trường Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), sau đó phần cầu chính vượt kênh Tẻ đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt.

Cầu có 2 nhánh kết nối đường Trần Xuân Soạn (quận 7), 2 nhánh kết nối đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) và 4 nhánh kết nối đường Võ Văn Kiệt (quận 1).

Dự án đang được lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh. Sau khi kế hoạch thu hồi đất được thông qua, địa phương sẽ thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật… Dự kiến, quý 4 năm nay, thành phố sẽ khởi công trước một số hạng mục cầu và đường dẫn ở phía quận 1. Đến năm 2025, công tác bồi thường sẽ hoàn tất, giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công và đưa công trình vào sử dụng năm 2027.

TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.

Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.