“Thời gian tối đa để làm cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành chỉ khoảng 1,5 năm”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói gì về cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành?


Sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước)”. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến đại dự án này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.

Tin vui về cao tốc 128km 25.540 tỷ đồng tại Việt Nam: Có thể thi công "thần tốc" trong 1,5 năm?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại phiên thảo luận. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Liên quan đến tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.

Bộ trưởng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.

Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác.

Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.

Tin vui về cao tốc 128km 25.540 tỷ đồng tại Việt Nam: Có thể thi công "thần tốc" trong 1,5 năm?- Ảnh 2.

Các đại biểu tại hội trường. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2.

“Theo tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 thì thời gian tối đa để làm cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành chỉ khoảng 1,5 năm. Vì thế với thời gian 2 năm như kế hoạch tôi cho là quá dài”, Bộ trưởng Thắng nói.

Theo ông Thắng, nếu 2025 khởi công thì “hết 2026 sẽ hoàn thành dự án”. Tiến độ này hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Tham gia thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ.

Tin vui về cao tốc 128km 25.540 tỷ đồng tại Việt Nam: Có thể thi công "thần tốc" trong 1,5 năm?- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, đoạn đường Chơn Thành – Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành. Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, tuy nhiên theo kế hoạch trước mắt, chúng ta sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết của Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu Trần Văn Tiến, dự án này phù hợp với mạng lưới cao tốc đã được phê duyệt, phù hợp với chủ trương của Đảng và nguyện vọng của Nhân dân ở khu vực.

Song đại biểu Trần Văn Tiến nêu ý kiến về quy mô đầu tư giai đoạn 1 với tổng chiều dài tuyến là 128,8km, quy mô 04 làn xe có làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa đáp ứng lưu lượng xe đến năm 2040 và đến năm 2045 sẽ không còn phù hợp.

Tin vui về cao tốc 128km 25.540 tỷ đồng tại Việt Nam: Có thể thi công "thần tốc" trong 1,5 năm?- Ảnh 4.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Cũng tại buổi thảo luận, Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, đây là một con đường chiến lược cả về chính trị và kinh tế cũng như đồng tình cao với các ý kiến của ĐBQH phát biểu trước đó.