Trước tình trạng nắng nóng kéo dài kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Nam Bộ, một người tự xưng có khả năng gọi mưa về đã đề xuất được thử nghiệm để giúp người dân Nam Bộ.

Giới thiệu người có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng

Mạng xã hội đang lan truyền văn bản của Trung tâm Dịch thuật và Khoa học Công nghệ (CTCS, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) gửi Chi cục Thủy lợi TP Hồ Chí Minh về việc “giới thiệu người có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng”.

Theo nội dung văn bản, TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ giới thiệu trường hợp ông Lê Minh Hoàng (57 tuổi, ngụ TP Hà Nội) với Chi cục Thủy lợi TP Hồ Chí Minh.

Lại xuất hiện "dị nhân" cầu mưa được tiến sĩ giới thiệu giải hạn cho Nam Bộ, có thể gọi mưa...qua Zalo- Ảnh 2.

Sáng 14/4, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Nguyễn Hoàng Điệp xác nhận thông tin trên. “Sau 2 lần gặp gỡ trực tiếp tôi, anh Hoàng có nhờ cơ quan (CTCS) giới thiệu anh với các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán khô cằn nặng và anh nói có khả năng cầu mưa có hiệu quả. Song thực tế vấn đề này chúng tôi chưa được kiểm chứng nhưng rất xót xa dằn vặt về việc nạn hạn hán thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên tôi giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TP Hồ Chí Minh về anh Lê Minh Hoàng.

Lại xuất hiện "dị nhân" cầu mưa được tiến sĩ giới thiệu giải hạn cho Nam Bộ, có thể gọi mưa...qua Zalo- Ảnh 3.

“Nếu quả thực anh Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn được cứu hạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi chưa khẳng định và phủ định” – TS Nguyễn Hoàng Điệp nêu trong văn bản.

TS Nguyễn Hoàng Điệp cho hay, ông Lê Minh Hoàng có đến gặp ông nhiều lần nhờ giới thiệu với các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán.

“Chúng tôi đã nghiên cứu về tài liệu thế giới ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng Ai Cập trước đây đã có những người làm được điều ấy (cầu mưa). Còn khả năng của anh Hoàng có làm được điều ấy hay không thì phải qua thực tiễn, chúng tôi chưa kiểm tra. Trong văn bản tôi đã nói rất rõ là chưa khẳng định. Tuy nhiên, chúng tôi rất sốt ruột là các tỉnh miền Nam gặp hạn hán, chúng tôi mới giới thiệu để các tỉnh, thành cho anh Hoàng vào kiểm chứng”, ông nói.

TS Nguyễn Hoàng Điệp cho biết thêm, hiện khoa học chưa thể giải thích nhiều hiện tượng bí ẩn của tiềm năng con người, nên việc giới thiệu này nếu đúng thì đem lại lợi ích cho người dân, nếu sai cũng không thiệt hại đến ai: “Bản thân tôi chưa thể khẳng định hay kiểm chứng nên tôi giới thiệu với các cơ quan chức năng xem có thực hiện được không”.

Tuy nhiên theo chia sẻ của ông Lê Minh Hoàng với TS Nguyễn Hoàng Điệp thì ông Hoàng đã nhiều lần gọi mưa thành công ở nhiều địa phương. Trong tay ông Lê Minh Hoàng có một tập giấy tờ được người dân ký xác nhận gọi mưa thành công. Nhưng trong số này, không có giấy tờ nào được cơ quan chức năng ký xác nhận.

Được biết, giấy giới thiệu được gửi cho một số nơi như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum… song đến nay ông Lê Minh Hoàng mới chỉ nhận được phản hồi là “đang nghiên cứu”.

Gọi mưa bằng cách nào?
Cũng trong sáng 14/4, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã liên hệ với ông Lê Minh Hoàng để tìm hiểu sự việc. Ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967), hiện ở địa chỉ thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ông tự nhận mình có trình độ văn hóa không cao (mới học hết lớp 8), lại không giỏi giao tiếp nên khó để giới thiệu rộng rãi về khả năng của mình.

Nói về khả năng gọi mưa của mình, ông Hoàng cho biết khoảng những năm 2000 ông bắt đầu phát hiện bên tai mình luôn văng vẳng tiếng gọi của “bề trên”. “Bề trên khi đó hướng dẫn tôi, tôi âm thầm cầu cho bà con nơi tôi sống được mùa thì đúng như vậy. Sau đó tôi làm đơn trình bày khả năng cầu mưa, giảm nhiệt độ gửi chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương hướng dẫn tôi gửi lên thành phố, thành phố hướng dẫn lên Bộ… rồi không có ý kiến gì nữa”, ông Lê Minh Hoàng kể.

Dù không được cơ quan chức năng nào giới thiệu hay hỗ trợ, ông vẫn lặn lội tự mình đi cầu mưa cho nhiều địa phương như Bến Tre, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau…

Ông cho biết, năm 2019 ông có vào Nam Bộ cầu mưa giúp người dân. Khi đang thực hiện cầu mưa ở Bến Tre, đến giai đoạn mây đen đã kéo về ùn ùn thì công an địa phương đến đuổi ông về, yêu cầu muốn làm gì phải có giấy giới thiệu của cơ quan chức năng. Trên đường ông về thì người dân tại đó thông báo cho ông biết trời đã đổ mưa.

Gọi mưa bằng cách nào? Ông Lê Minh Hoàng cho biết có thể gọi mưa bằng cách đọc một số Kinh. Khi có nhu cầu gọi mưa ở địa phương nào đó, ông chỉ cần ngẩng mặt lên trời đọc Kinh, hô mưa là sau khoảng vài tiếng đồng hồ sẽ có mưa. Hiện tại ông có thể cầu mưa từ xa.

“Chỉ cần xem hình ảnh qua Zalo về tình trạng hạn hán của địa phương là tôi có thể cầu mưa được”, ông Hoàng nói.

Nói về lý do đến nhờ TS Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu cầu mưa cho Nam Bộ, ông Lê Minh Hoàng cho biết nếu đi làm với tư cách cá nhân thì sẽ không được chấp nhận, do vậy ông phải nhờ đến TS Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu vì có tư cách pháp nhân.

“Tôi cầu mưa hoàn toàn vì thương đồng bào miền Nam chịu hạn nghiêm trọng quá chứ không có động cơ vụ lợi nào. Việc tôi làm là hoàn toàn miễn phí. Tôi không lấy tiền của ai bao giờ cả nên điều này cũng được TS Nguyễn Hoàng Điệp ủng hộ để giới thiệu.

Dù chưa kiểm chứng khả năng gọi mưa của ông Lê Minh Hoàng song TS Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ một trải nghiệm với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống: “Anh Hoàng đến gặp tôi khoảng tháng 2/2024, anh nói sẽ cầu cho nhiệt độ ở Hà Nội trong tháng 3 và 4 không vượt quá 37 độ. Tôi tự kiểm chứng thì từ lúc đó đến giờ thấy khá đúng. Tức là thời tiết Hà Nội không quá nắng nóng mà trời mát rất dễ chịu. Trước đây tôi làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiềm năng con người nên tôi hiểu khả năng của con người là vô tận. Do vậy tôi mới tạo điều kiện để anh Hoàng kiểm chứng”, TS Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

Bình luận về thông tin này, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho hay từ khoảng năm 2013 ông Lê Minh Hoàng đã được một số báo chí nói đến do tự nhận có khả năng cầu mưa và đuổi bão. Đây có thể coi là một việc hoang tưởng. Để kiểm chứng khả năng này có thể thực hiện ở bất cứ đâu.

“Cầu mưa là một tín ngưỡng tồn tại từ lâu đời ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Mục đích chính là cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đáng được tôn trọng. Tuy nhiên lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi hay gây hoang mang trong dân chúng thì không nên cổ vũ”, TS Nguyễn Ngọc Huy nói.

Trong khi cả thế giới căng mình chống biến đổi khí hậu, đội ngũ hàng triệu nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, phát triển các mô hình dự báo thì một “dị nhân” công bố làm được hết những điều đó là không tưởng.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng – UIA (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khẳng định đây là trò nhảm nhí, hoang đường, tung những thông tin mê tín dị đoan, cầu xin điều phi lý trái tự nhiên từ đấng tối cao. Có mưa hay không hoàn toàn là do biến đổi của khí hậu, thời tiết, khi hơi nước gặp lạnh sẽ tạo ra mưa. Trên thế giới không ai có thể cầu được mưa mà bằng công nghệ, con người có thể làm mưa nhân tạo hay ngăn mưa bằng một số loại chất rất tốn tiền.

“Để kiểm chứng không khó khăn gì cả. Bây giờ trời đang nắng, ông chỉ cần làm cho nhà ông ở có mưa trong vài tiếng nữa. Việc này chắc sẽ tốn ít “năng lượng” hơn rất nhiều so với gọi mưa cho cả khu vực rộng lớn. Nếu ông làm được ngay thì cả thế giới công nhận ông. Hay nếu ông nói có khả năng làm bão chuyển hướng, tôi bật cái quạt điện chĩa thẳng vào ông, ông làm cho gió chuyển sang hướng khác đi…”, TS Vũ Thế Khanh nói.

Theo TS Vũ Thế Khanh, có thể có một vài lần nào đó “ăn may” nên vô tình gọi được mưa, nhưng chắc chắn khả năng này là không có thật. Do vậy không nên cổ xúy cho điều này bởi dễ dẫn đến mê tín dị đoan. Bắt đầu từ việc này có thể liên hệ sang các việc nhảm nhí khác như dự đoán xổ số, chứng khoán, không làm mà cũng có ăn…

Độ ẩm quá thấp thì không thể có mưa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cùng với tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài là nguy cơ khô hạn vẫn diễn ra căng thẳng do tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40mm. Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến thấp hơn tới 40-80mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Một số cơ quan dự báo khí tượng quốc tế nhận định, bước sang tháng 5, khu vực Đông Nam Á sẽ có những đợt nắng nóng kỷ lục.

Cơ quan khí tượng nhận định, từ nay đến ngày 10/5, nước ta vẫn có không khí lạnh nhưng hoạt động với cường độ yếu và giảm dần về tần suất. Trong khi, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần, nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Từ nay đến ngày 10-5, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu nên tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết việc có xảy ra hiện tượng mưa (giáng thủy) phải có các điều kiện. Cụ thể là bầu trời phải có mây, loại mây đối lưu dễ xảy ra mưa, hoặc các loại mây tầng thấp, mà điều kiện hình thành mây tầng thấp thì quá trình bốc hơi liên tục xảy ra, độ ẩm không khí phải cao, mặt đất có nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khối không khí đạt tới trạng thái bão hòa, quá trình ngưng kết xảy ra, hạt mây đủ lớn, trọng lượng những hạt mây thắng được lực dòng thăng, mưa sẽ xảy ra. Trong tầng đối lưu độ ẩm càng cao, hạt nhân ngưng kết (sol khí) càng nhiều, khi đó mưa càng dễ xảy ra.

Ông Quyết cho hay, thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ, hình thế thời tiết tác động, đó là trên cao áp cao Tây Thái Bình Dương khống chế khu vực Nam Trung Bộ, dưới tầng thấp, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh, lấn về phía Đông Nam, làm cho cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ đều nằm trong trường phân kỳ.

Quá trình hình thành mây tầng thấp rất kém, bầu trời chủ yếu mây tầng trung hoặc tầng cao, gió chủ đạo gió Tây Bắc, lượng ẩm từ biển cũng không thuận lợi đẩy vào đất liền, do đó thời tiết chủ đạo ban ngày trời nắng, nắng nóng.

“Với những điều kiện nhiệt độ không khí cao, không khí rất khô (độ ẩm không khí thấp), ban ngày chỉ 30-35%, rất xa với điều kiện thuận lợi hình thành mây gây mưa (độ ẩm không khí phải từ 89-90%) thì không thể có mưa”- ông Quyết chia sẻ.