Chơi hụi được xem như một hình thức bỏ tiết kiệm, xuất hiện ở nhiều địa phương. Tuy nhiên những biến tướng của nó gây ra không ít những vụ “vỡ hụi” lớn làm rúng động dư luận.

Chắc hẳn ai cũng từng nghe về việc chơi hụi hoặc thấy người thân trong gia đình chơi hụi. Tuy nhiên nhiều người có lẽ vẫn còn thắc mắc về “trò chơi” này, liệu nó là gì mà thỉnh thoảng lại nghe về những vụ vỡ hụi lên đến hàng chục, thậm chí là cả trăm tỷ đồng.

Chơi hụi là gì?

Chơi hụi (hay còn gọi là họ, phường) là một hình thức giao dịch về tài sản (chủ yếu là tiền) dựa trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp lại với nhau cùng ấn định ra số lượng, thời gian, số tiền (hoặc tài sản khác tùy theo), thể thực góp, lĩnh hụi , quyền và nghĩa vụ của các thành viên tham gia.
Chơi hụi là gì? Vì sao thường xuyên có những vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người điêu đứng? - ảnh 1
Chơi hụi là một hình thức phổ biến tại một số địa phương  

Khi chơi hụi, sẽ có một người đứng ra làm chủ hụi và mời các thành viên khác cùng chơi (con hụi ). Thông thường mỗi nhóm hụi sẽ có từ 10 người trở lên. Chủ hụi sẽ có trách nhiệm thu tiền (hoặc tài sản) của con hụi, thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi…

Ví dụ: Một dây hụi 10 người, góp 1.000.000 đồng mỗi tháng, mở hụi vào một ngày nào đó trong tháng tùy ấn định và thống nhất. Khi đến kỳ mở hụi , một người A hốt hụi thì nhận được số tiền: 1.000.000 đồng x 10 người = 30.000.000 đồng. Trong số tiền này, sẽ có thỏa thuận người hốt hụi trích ra số tiền hoa hồng cho chủ hụi. Mỗi người trong dây hụi chỉ được hốt hụi 1 lần và vẫn phải đóng đủ tiền hụi theo số lượng người tham gia, đến khi thành viên rút hụi hết thì thôi.


Chơi hụi là gì? Vì sao thường xuyên có những vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người điêu đứng? - ảnh 2
Hoạt động chơi hụi không vi phạm pháp luật, nhưng bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chơi hụi cũng có nhiều hình thức như: Hụi có lãi (Với kiểu này, người nào hốt trước sẽ lỗ nhiều, người “hốt hụi chót” sẽ lời nhiều. Thông thường, trong một chu kỳ hụi có lãi theo tháng, người hốt trước phải đóng nhiều tiền, người hốt sau phải đóng ít tiền hơn); Hụi ước (Là hình thức chơi hụi được xem là an toàn nhất)…

Về cơ bản, có thể thấy hụi là một hình thức để “chia sẻ” kinh tế nhàn rỗi , hỗ trợ tương thân theo vòng lặp. Nếu diễn ra đúng theo hình thức và minh bạch, đây là hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên trên thực tế không phải dây hụi nào cũng được xem là “an toàn” để người chơi đầu tư tiền bạc.

Những vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng làm rúng động dư luận, vì đâu nên nỗi?

Mới đây tại Hà Tĩnh xảy ra vụ bể hụi lên đến 40 tỷ đồng. Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang vào cuộc làm rõ đơn tố cáo của hàng trăm người dân ở huyện Kỳ Anh về việc bị bà H.T.T (sinh năm 1988) lừa đảo theo hình thức góp hụi biến tướng.

Hay tại Đồng Nai vào đầu tháng 6/2023, tại cơ quan chức năng, một chủ hụi khai vay mượn, gom hụi khoảng 80 tỷ đồng của khoảng 500 người rồi đêm cho vay mượn tiếp, nhưng bị giật dẫn đến vỡ hụi.

Đây là 2 trong số rất nhiều những vụ vỡ hụi khiến con hụi điêu đứng vì đã góp vào số tiền lớn, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng cho chủ hụi.
Chơi hụi là gì? Vì sao thường xuyên có những vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người điêu đứng? - ảnh 3
Có không ít vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng

Chơi hụi là hình thức huy động vốn nhanh, lãi suất hấp dẫn nên thu hút đông đảo người tham gia. Tuy nhiên nhiều người khi chơi chưa tìm hiểu kỹ cách thức, nhẹ dạ cả tin vào những đối tượng chủ hụi. Những việc này đã vô tình tạo sơ hở cho các chủ hụi thực hiện hành vi gian dối.

Tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng cảnh báo về tình trạng vỡ hụi. Đây cũng được coi là một hình thức lừa đảo và sẽ bị xử lý theo luật pháp quy định, tùy vào mức độ tài sản gây thiệt hại.

Việc vỡ hụi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm tan cửa nát nhà nhiều gia đình, thậm chí còn làm xảy ra những việc thương tâm. Để hoạt động của hình thức góp hụi đúng với mục đích và quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định chi tiết về cách thức hoạt động, đối tượng được phép tổ chức hụi , các nguyên tắc tổ chức.

Theo đó có những nguyên tắc được quy định gồm: Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự; Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ; Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.