“Có những giai đoạn, trong tủ chỉ có vài bộ quần áo, mặc bạc mới bỏ đi. Giày có duy nhất một đôi, đeo đến khi mòn dẹt, đinh lồi ra mới mua đôi khác. Tôi từng kiệm vô cùng, làm được đồng nào là tái đầu tư. Nếu không tái đầu tư, không chịu đổi mới sáng tạo thì không có ngày hôm nay”, nữ CEO Trường Foods trải lòng.
Mở đầu chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) tập 10 là CEO xinh đẹp người Mường Nguyễn Thị Thu Hoa (SN 1992, Phú Thọ). Chị là nhà sáng lập công ty Trường Foods chuyên sản xuất và phân phối thịt chua – đặc sản tỉnh Phú Thọ.
Khởi nghiệp từ năm 18 tuổi với số vốn ít ỏi 4 triệu đồng vay từ mẹ chồng, đến năm 2021, doanh thu của công ty lên tới 52 tỷ/năm. Để có được thành công như ngày hôm nay, chị Hoa đã thất bại vô số lần, đổ đi không biết bao nhiêu thịt xuống sông. Quá trình khởi nghiệp đầy gian truân của chị đã khiến bao người xúc động và thầm khâm phục ý chí nghị lực kiên cường.
Bằng tài năng, phong thái điềm tĩnh cùng sự tự tin, chị Hoa đã đưa ra kế hoạch, định hướng cho Trường Foods trong thời gian tới. Điều này khiến các Shark phải tranh nhau đầu tư. Kết thúc phần gọi vốn, chị Hoa nhận được đầu tư của Shark Bình và Shark Hùng Anh với 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần cùng với 200 triệu đồng của Shark Bình.
Sau chương trình Shark Tank, chị Thu Hoa nổi rần rần trên các nền tảng mạng xã hội với hàng loạt các “hot search”: Cô gái người Mường xinh đẹp, nữ CEO Trường Foods, cô gái bán thịt chua,… Có thể coi đây là một cú hích truyền thông khiến đông đảo mọi người biết tới đặc sản miền đất Tổ và chị Thu Hoa đã thành công trong việc lan tỏa.
Đặc biệt năm 2022, nữ CEO xinh đẹp đã lọt top 20 đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu cho hạng mục Kinh doanh khởi nghiệp, giải Nhất cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp cấp quốc gia năm 2022.
Điều gì khiến chị quyết định gắn bó với ngành thực phẩm, cụ thể là đặc sản thịt chua của quê hương Phú Thọ?
Nhiều người nghĩ để thành công như ngày hôm nay, chắc tôi có ước mơ, hoài bão lớn lắm. Nhưng không phải vậy, mục tiêu khởi nghiệp ban đầu năm 18 tuổi của tôi là có thu nhập, kiếm được tiền để trang trải cuộc sống.
Làm được 1-2 năm, khi thịt chua đã ngấm vào người, tôi mới khát khao mang 2 chữ “đặc sản” đến mọi miền Tổ Quốc. Người ta bảo “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”. Chính vì vậy, từ công việc có thu nhập đầu tiên trong cuộc đời, dần dần tôi đam mê với nó và quyết định đi theo hướng phát triển đặc sản quê nhà.
Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi đã đóng góp được chút ít công sức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quê hương.
Khi bắt đầu gây dựng sự nghiệp, tại địa phương đã có nhiều thương hiệu thịt chua khác chưa, thưa chị? Thịt chua Trường Foods khác biệt so với các thương hiệu đó như thế nào?
Lúc khởi nghiệp vào cuối năm 2010, xung quanh tôi chỉ có 4 – 5 nhà làm. Thịt chua lúc đó chưa thịnh hành như bây giờ, chỉ huyện Thanh Sơn – địa phương tôi sinh sống và vài huyện lân cận biết đến. Ngay cả thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cũng cũng không nhiều người biết. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều người Việt Nam đã nhớ tới và khắc sâu “Thịt chua Trường Foods là đặc sản của tỉnh Phú Thọ”.
Vào thời điểm bắt đầu, việc giải thích “thịt chua là gì?” cho người tiêu dùng hiểu rất khó. Huống chi là khiến khách hàng nhớ đến thương hiệu Trường Foods.
Nhen nhóm từ mô hình nem chua Thanh Hoá, tôi muốn nhắc đến Phú Thọ, người ta nhắc đến thịt chua Trường Foods. Cũng giống như nhắc tới Thanh Hóa, người ta nhớ đến món nem chua.
Tuy nhiên thời điểm đó, trên mạng xã hội tràn lan những video về quy trình sản xuất nem chua kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng dè chừng, thậm chí có người tẩy chay. Chính vì vậy nên sau 1 – 2 năm xác định gắn bó với nghề, tôi nghĩ không làm theo hướng đó được.
Tôi mong muốn phát triển một thương hiệu thịt chua “ngon – sạch – uy tín”. Và muốn làm điều đó, tôi không thể gắn nhãn chung, sản xuất sản phẩm không thương hiệu để người tiêu dùng đánh đồng với các cơ sở kém chất lượng. Không thể để “một con sâu làm rầu nồi canh”.
Thời gian đầu, tôi tập trung làm tốt sản phẩm, có công thức sản xuất thịt chua riêng nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng của thịt. Dần dần, “hữu xạ tự nhiên hương” giúp tăng trưởng doanh số. Tiếp đó, tôi nghiên cứu từ thủ công sang bán tự động, thay đổi quy trình sản xuất. Tôi chia nhỏ các phòng để đảm bảo an toàn vệ sinh, đúng quy trình, dùng công cụ hỗ trợ và đi tập huấn để trang bị kiến thức. Đến giờ, bên tôi đã đạt tiêu chuẩn ISO về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế.
Tôi chưa được học nhiều, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nên có được ngày hôm nay là do biết lắng nghe. Tôi rất cầu thị, luôn xem những người đi trước đã thành công để học hỏi. Thứ hai là tôi chú trọng thay đổi, cải tiến sao cho phù hợp. Phải 3 năm sau khi khởi nghiệp, tôi mới có tư duy phát triển thương hiệu. Lúc đó tôi 21, 22 tuổi.
Vậy ai là người truyền nghề cho chị? Đó có phải là người đồng hành cùng chị trong quá trình phát triển thương hiệu?
Tôi rất biết ơn mẹ chồng. Ngày mới về làm dâu, bà đã hướng dẫn tôi cùng 2 chị chồng cách làm thịt chua. Chồng tôi cũng đồng hành gần 1 năm, sau đó anh không rẽ hướng sang công việc khác.
Công thức khi đó mẹ chồng dạy là “1 nắm, 2 nắm”, hiểu nôm na là có một chậu thịt như này, rồi cho vào 1 nắm bột canh, 1 nắm mì chính. Tay tôi nhỏ thì phải nắm rưỡi mới đủ. Khi làm thủ công, ngày tôi làm 10 – 15kg thịt cho vài chục hộp. Và phải sau mấy ngày, số thịt đó mới bán được hết.
Vì sản xuất theo kiểu ước chừng, ước lệ nên trong quá trình làm xảy ra vấn đề. Có hôm khách hàng kêu nay ăn mặn, hôm sau lại than phiền nhạt. Từ những lời góp ý, tôi nảy ra suy nghĩ phải có công thức riêng để sản xuất hàng loạt, phải đặt lên cân để đảm bảo sự đồng bộ.
Nếu mẹ chồng là người gieo hạt mầm thì mẹ đẻ lại là người đồng hành cùng tôi suốt chặng đường gian khó. Mẹ cũng là nguồn động lực để tôi “ngoi” lên vì xuất phát điểm không cao, nếu không muốn nói là rất thấp.
Thời điểm khởi nghiệp, sáng nào mẹ cũng sang giúp đỡ việc nhà. Mẹ giặt giũ, rửa bát đũa, phụ tôi chăm các cháu. Khởi nghiệp không có thời gian, quần áo có khi 2 ngày không giặt là chuyện thường. Tôi vừa ăn xong là phải nghe điện thoại, chuẩn bị cho đơn hàng hôm sau. Bận tối mắt tối mũi nên mẹ đã hỗ trợ tôi từ những việc nhỏ nhất. Đồng thời, mẹ luôn luôn động viên tôi cố gắng mỗi ngày.
Ngoài mẹ, bên tôi cũng có những cô chú công nhân đồng hành từ lúc khởi nghiệp đến hiện tại. Đến giờ, có cô công nhân mỗi khi nhắc chuyện cũ là cầm nắm tay tôi khóc rưng rức.
Cô ấy vẫn nói: “Thật sự cô không nghĩ sẽ có được ngày hôm nay. Nhìn Hoa, cô rất thương vì bằng tuổi cháu, con cô vẫn còn mải đi ăn, đi chơi. Các cô đi làm về ngủ ngon, cháu thì về lại sổ sách, giấy tờ, việc gì cũng đến tay, đêm muộn rồi cũng chưa tắm giặt, cơm nước”.
Thậm chí thấy tôi nhọc quá, rất nhiều người cản. Họ nói tôi mơ ước cao sang làm gì, cuộc sống đủ ăn đủ tiêu là được. Có những điều họ nghĩ tôi không làm được thì tôi đã nỗ lực và làm được. Tôi nghĩ ông trời không phụ công ai bao giờ.
Khó khăn của tuổi 18 khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng là gì, thưa chị?
Thời gian đầu, tôi tập trung vào chất lượng, cải tiến công thức. Trong 4 – 5 nhà làm thịt chua, nhà tôi làm quy mô nhỏ nhất. Khi tôi làm 15 – 20kg/ngày thì lúc đó, cô hàng xóm đã làm đến 2 tạ/ngày. Tôi mơ ước đến một ngày nào đó cũng làm nhiều, bán nhiều thịt chua như cô ấy.
Tôi cứ đi sâu vào chất lượng. Khi sản phẩm ngon, đồng đều, tôi tìm ra công thức bảo quản. Nhờ có sự khác biệt, sản lượng mới tăng dần. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng biết tới đặc sản, tới mua thử. Tôi chăm từ những khách lẻ, biến họ thành đại lý của mình. Đến lúc đó gặp phải vấn đề là có quá nhiều đại lý, giá bán không đồng đều, mỗi người một giá. Vì thế, tôi phải xây dựng chính sách cơ chế dành cho đại lý, nhà phân phối.
Một khó khăn nữa khi khởi nghiệp là tôi phải làm mọi việc từ A – Z, bao gồm ra chợ chọn thịt, thương thảo với nhà buôn, chế biến thịt, chào hàng, giao hàng.
Nhớ mãi lần đầu ra chợ mua thịt, tôi run lắm vì tính tôi khá nhát, rụt rè. Tôi không biết cãi nhau kiểu chợ búa, một lần cãi lại mà về sợ phát khóc. 1 – 2 lần đầu ra chợ, tôi cùng lựa thịt, sờ thịt và thấy không ngon liền bỏ đi, sang những phản thịt khác.
Tôi nhận ra mình phải biết lựa để có miếng thịt ngon, phải biết trả giá để có giá thành tốt. Thế là tôi cũng tập đàm phán: “Cô ơi, cô có thể bớt cho cháu không?”. Cô ấy gay gắt: “Mua được thì mua, không mua được thì thôi”. Nghe vậy, tôi cãi lại: “Thuận mua vừa bán, việc gì cô phải căng thẳng?”, vừa nói vừa run sợ, tim đập thình thịch.
Càng những lần sau, tôi càng nói mạnh miệng hơn. Tôi dùng những lời “cứng cần cứng, mềm cần mềm”, chứ không tục tĩu bậy bạ. Sau khoảng 6 tháng, tôi làm việc được với những người “ét te”, khét tiếng nhất chợ. 3 – 4 năm sau, họ vẫn đưa thịt cho tôi.
Vì thế tôi nghĩ không có người tốt, người xấu mà mình phải biết đặt bản thân vào vị trí người khác và hiểu tính cách họ để giúp mối quan hệ trở nên hài hòa. Thậm chí khi đối tác đến với tôi, nhiều người can và nói rằng đó là kẻ xấu, lưu manh, lừa dối nhưng tôi vẫn quyết định làm việc.
Đâu là lần thất bại bầm dập khiến chị nhớ mãi không quên? Thời điểm đó, chị có nghĩ mình sẽ buông xuôi tất cả?
Đó là giai đoạn đầu khi thử công thức. Tôi phải bỏ đi rất nhiều thịt chua, không biết bao nhiêu mẻ thịt đổ xuống sông, thậm chí đưa cho công nhân mang để con chó, con mèo ăn mà họ còn không muốn cầm.
Tôi nhớ như in có lô thịt 10 – 15 triệu tiền vốn, tôi cố gắng làm lô đó với hy vọng đây là lần thử nghiệm công thức cuối cùng để chốt được thời gian. Nhưng tối hôm đó, do thức khuya nên sáng hôm sau tôi ngủ quên. Khi choàng tỉnh dậy, các hộp thịt trong hộp nhựa đã chín hết, đáy hộp do ủ nhiệt bằng bóng đèn đều móp. Tôi ngồi ôm thịt và khóc nức nở. Cảm giác lúc đó vừa chán vừa nản, không ngừng trách móc bản thân: “Tại sao mình không thức dậy đúng giờ? Sao mình lại ngủ quên như vậy?”.
Khi công nhân đến làm, tôi cứ ngồi khóc. Tôi nghĩ sẽ không thử nghiệm nữa, làm đến đâu thì làm. Nhưng sau khi cảm xúc ổn định, tôi biết đã làm đến tầm này thì không thể dừng được nữa.
Đấy là thất bại mà tôi nhớ mãi. Số tiền 10 – 15 triệu để thử nghiệm cũng chỉ bằng thu nhập lúc đó. Có những thất bại bằng số tiền lợi nhuận cả tháng. Với start-up, doanh thu mỗi ngày khoảng 200 nghìn, tôi phải trích ra 50 nghìn để thử nghiệm. Số tiền kia còn lại phải tái đầu tư và trang trải cuộc sống gia đình, không thể vung tay.
Hơn thế, tôi còn phải phụ giúp mẹ chút tiền nhỏ nhoi. Có những giai đoạn, trong tủ chỉ có vài bộ quần áo, mặc bạc mới bỏ đi. Giày có duy nhất một đôi, đeo đến khi mòn dẹt, đinh lồi ra mới mua đôi khác. Tôi từng kiệm vô cùng, làm được đồng nào là tái đầu tư. Nếu không tái đầu tư, không chịu đổi mới sáng tạo thì không có ngày hôm nay.
Khởi nghiệp khi mới học hết bậc THPT, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, vậy chị đã có kế hoạch truyền thông – Marketing ra sao để đông đảo mọi người biết tới như ngày hôm nay?
Về Marketing online, tôi hoàn toàn không biết gì, thậm chí “tương tác” là gì không hiểu, “content” còn đi dùng Google để dịch vì không biết tiếng Anh. Khi tôi bắt đầu làm điều gì mới, tôi chỉ có một tư duy “làm đi, sai thì sửa” và bắt đầu từ những bước nhỏ nhất.
Tôi từng thất bại lớn về Marketing online bởi quá nóng vội. Cùng với đó, vào năm 2018, tôi đã có thành công nhất định, bước chân ra đường được bao người ngưỡng mộ, ngợi khen. Điều này khiến cái tôi bị cao quá, trở nên hiếu thắng và chủ quan. May mắn là sau bài học xương máu đó, tôi đã nhìn nhận lại bản thân để đúc rút ra kinh nghiệm.
Kiến thức về Marketing của tôi là con số 0 tròn trĩnh. Khi mới làm, tôi triển khai Marketing offline với ý nghĩ đơn giản: “Cắm thật nhiều bảng biển ngoài đường sẽ bán được hàng”. Sau này, xu hướng Marketing online lên ngôi, buộc tôi phải tiếp cận và đổi mới.
Đạt được một số thành tựu nhất định, tôi quyết định bỏ tiền đi thuê đội nhóm hỗ trợ với suy nghĩ: “Mình không biết làm thì đi thuê”. Thuê nhưng không hiểu về nó, đó là điều tai hại.
Ai nghe chuyện cũng ngăn cản, mọi người bảo tỷ lệ rủi ro chiếm đến 80 – 90% nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi hiếu thắng vì đã chứng minh rằng, những việc nhiều người cản, không ai làm được thì tôi đã làm và thành công. Nên tôi chẳng nghe ai và cho rằng mình sẽ làm được.
Hợp đồng truyền thông Marketing đầu tiên tôi ký có giá trị 1 tỷ đồng trong 1 năm. Làm đến 4 tháng, tôi đã đưa cho bên cung cấp dịch vụ 400 triệu đồng nhưng kết quả chẳng thấy đâu. Họ cứ đưa cho tôi “tràng giang đại hải” những con số tương tác mà doanh thu không ra.
Mất tiền, tôi dừng lại và rơi vào “stress”. Tôi nhìn lại hành trình 8 năm bước đi và nhận ra: Để làm được điều lớn đều phải bắt đầu từ những điều nhỏ . Từ việc cải tiến công thức sản xuất cho đến chào hàng ngoài thị trường, tôi cũng thực chiến mới hiểu được chân dung khách hàng, cảm xúc, tâm lý của khách. Marketing online cũng như vậy.
Chị đã đứng lên như thế nào sau cú ngã bầm dập ấy?
Đó là 1 bài học đắt giá, vừa mất tiền, mất thời gian, công sức, và nhận ra cái tôi của tôi quá lớn. Tôi đã tự tin thái quá khi có kết quả nhỏ, bị đưa lên tận mây xanh.
Sau đó, tôi quyết định làm lại từ đầu bằng việc đi học Marketing. Đi học rồi tôi mới hiểu “content” hay là như thế nào, cách chạy quảng cáo ra sao, tương tác là gì. Tôi tự ngồi viết từng content, sửa từng cái ảnh. Có những hôm đến 2 giờ sáng, tôi vẫn cặm cụi thức làm bài tập thầy giáo giao. Người ta học chống chế còn tôi cực kỳ nghiêm túc.
Nhờ vậy nên sau này chạy các chiến dịch truyền thông đều cho ra ngay kết quả. Khi đã làm được, tôi viết quy trình và yêu cầu nhân viên thực hiện.
Đến năm 2020, phòng Marketing chỉ 2 người: 1 nhân viên chạy quảng cáo, 1 nhân viên viết content quản lý các nền tảng. Mỗi SEO website, mảng hình ảnh và video là tôi thuê bên ngoài. Công việc trơn tru và nhiều người tưởng tôi có một phòng Marketing hùng mạnh, chuyên nghiệp lắm. Đến nay do khối lượng công việc nhiều nên phòng Marketing có tới 10 nhân viên.
Từ sản xuất sang kinh doanh, tôi nghĩ kinh doanh khó. Nhưng khi kinh doanh thành công, tôi thấy đó là điểm mạnh của mình. Tiếp đến là Marketing lúc đầu lơ mơ, nhưng làm rồi mới thấy mình thực hiện xuất sắc. Và tôi nhận ra phải làm từ những việc nhỏ nhất mới hiểu bản chất vấn đề.
Lên Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) gọi vốn có phải là một cú hích trong chiến dịch truyền thông – Marketing của Trường Foods, thưa chị?
Đúng, lên Shark Tank gọi vốn nằm trong kế hoạch truyền thông của tôi. Nhưng tôi có 2 mục đích: Thứ nhất, tôi rất mong muốn được các Shark đồng hành để rút ngắn thời gian, hỗ trợ nguồn vốn. Mục tiêu 50 – 50, nếu may mắn được các Shark đồng hành là tốt, còn không thì đó là cách làm truyền thông hiệu quả.
Năm 2021, tôi chuyển đổi tuyển nhà phân phối, đại lý từ hình thức offline sang online do một phần dịch bệnh COVID-19 bùng phát, một phần do phải chạy theo xu hướng. Lúc đó, tôi tuyển nhà phân phối rất dễ bởi hiểu rõ chân dung của họ, có những tháng tôi tuyển được cả trăm nhà phân phối.
Nhưng có một tai hại là nhà phân phối, đại lý không bán được hàng, không tạo ra doanh thu. Vì ở địa phương đó, người tiêu dùng không biết tới thịt chua, nhà phân phối thì không đủ năng lực quảng bá. Nhưng nếu tôi lên Shark Tank gọi vốn, mọi người sẽ biết tới: “À thịt chua trên Shark Tank”, “À, thịt chua của cô gái Mường”,… Điều này giúp việc phát triển thị trường trở nên dễ dàng.
Tôi nhận ra rằng, tất cả các kênh truyền thông đang làm chỉ như “muối bỏ bể”, đến khu vực nào thì làm được khu vực đó, quá tốn kém chi phí. Và lên Shark Tank mới là cách quảng bá tuyệt vời.
Thú thực lên chương trình Shark Tank, tôi run lắm. Tôi thấy mình như “trẻ ranh vắt mũi chưa sạch”, xung quanh toàn các “ông lớn”. Nhưng khi nói đến những thứ tôi biết, tôi lại rất tự tin.
Đằng sau thương hiệu Trường Foods chắc hẳn chứa đựng nhiều ý nghĩa, thưa chị?
Trước khi nói về ý nghĩa cái tên, tôi muốn chia sẻ bài học thương hiệu cho các start-up. Tôi khuyên các bạn nên đi đăng ký thương hiệu trước khi làm công việc gì đó, đừng để khi đã làm rồi mới nghĩ tới vấn đề này. Thịt chua Trường Foods là tiền thân của thịt chua Nghị Thịnh – thương hiệu của bố mẹ chồng tôi.
Năm 2014, nhiều người bảo tôi đã mất công như vậy sao không đi đăng ký thương hiệu. Lúc này, tôi tra cứu thì thấy thương hiệu Nghị Thịnh đã được đăng ký. Sau đó tôi lại nghĩ, đó là thương hiệu của bố mẹ, không thể ích kỷ giữ riêng cho mình. Lý do thứ hai, tôi đam mê sản xuất thịt chua, dành cả tuổi thanh xuân để vun đắp. Vì thế, tôi không thể tiếp tục phát triển thương hiệu không phải của mình.
Nghĩ vậy, tôi quyết định đi đăng ký thương hiệu khác. Tôi gạch ra 20 cái tên, gửi đi tra cứu nhưng những tên hay đều đã bị đăng ký. Lúc đó, trong tôi nảy ra ý định phát triển một thương hiệu trường tồn. Và thế là Trường Foods ra đời. “Trường” là trường tồn, “foods” là thực phẩm. Tôi mong muốn xây dựng một công ty thực phẩm trường tồn.
Sau khi đăng ký thương hiệu, tôi thành lập công ty, đó là vào năm 2015, sau 4 năm hoạt động quy mô nhỏ.
Là bóng hồng chinh chiến nơi thương trường, theo chị điểm mạnh và điểm yếu của người phụ nữ là gì?
Nhiều người hay bảo tôi rằng: “Xinh đẹp là một lợi thế” nhưng tôi thấy không hoàn toàn đúng. Nhưng có một điều là khi chúng ta sở hữu khuôn mặt khả ái sẽ được mọi người quý mến, không riêng gì đàn ông. Chứ xinh đẹp không phải là điều quyết định vấn đề.
Còn điểm yếu của người phụ nữ là hạn chế giao lưu, ăn nhậu. Khi đi ra ngoài, người phụ nữ còn gia đình phía sau nên phải quay về. Phụ nữ không thể đi tới bến như đàn ông. Nhưng đàn ông thì họ có thể thoải mái giao lưu, tối về muộn hơn.
Sau một hành trình dài như vậy, chị rút ra cho mình những nguyên tắc hay triết lý kinh doanh tâm đắc gì?
Theo tôi, giá trị cốt lõi luôn là Nhân – Tâm – Tín. “Nhân” là con người, những người đi cùng tôi, tôi sẽ không để ai chịu thiệt. “Tâm” là tâm thiện, tâm huyết và quyết tâm. “Tín” là uy tín, là giá trị đặt lên hàng đầu với khách hàng, đối tác.
Còn nguyên tắc sống cũng là nguyên tắc kinh doanh của tôi là: Không đồng hành với kẻ phản bội, người gian dối và kẻ phá đi uy tín của công ty.
Nếu để đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ về việc khởi nghiệp, từ bài học xương máu, chị sẽ nhắn nhủ điều gì?
Tôi không dám đưa ra lời khuyên vì mỗi người có xuất phát điểm khác nhau. Tôi chỉ xin gửi đôi điều chia sẻ từ góc độ cá nhân. Về khởi nghiệp, bên cạnh kiến thức, tư duy thì các bạn phải hành động. Hành động đi, nếu sai sẽ có bài học, đúng sẽ có kết quả.
Và trong quá trình thực hiện, các bạn luôn luôn phải cải tiến, thay đổi, phải chọn ra sự khác biệt cho mình. Tiếp theo là cần kiên trì, quyết tâm làm đến cùng.
Qua đây, tôi cũng muốn cảm ơn các mentor (người cố vấn) đã luôn hướng dẫn, chỉ bảo và giúp đỡ; các đối tác và khách hàng đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua.
Cô gái Mường xinh đẹp bán đặc sản thịt chua, thu 52 tỷ đồng/năm
Cô gái Mường xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hoa, nhà sáng lập Công ty Trường Foods đến từ Phú Thọ cho biết, cô đã phải đổ không biết bao nhiêu thịt xuống sông để làm món thịt chua đặc sản thành công, được nhiều người biết đến. Canh tác cà phê thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu Bão số 1 đẩy từng đàn tép dạt bờ, ngư dân Quảng Bình đổ xô đi vợt bán kiếm bộn tiền Kim ngạch nhập khẩu phân bón 6 tháng năm 2023 giảm rất mạnh Nông dân Sơn La tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới Nguồn nước bỗng cạn kiệt, dân làng phát hiện “thủ phạm” nghìn tuổi đáng giá hàng trăm tỷ đồng
Cô gái Mường xinh đẹp bán đặc sản thịt chua có doanh thu 52 tỷ đồng/năm
Khởi nghiệp năm 18 tuổi, khi ấy cô gái người dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa (sinh năm 1992) mới tốt nghiệp THPT, không có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng với mong muốn lan tỏa được đặc sản thịt chua Phú Thọ tới mọi miền Tổ quốc, cô đã tìm tòi học hỏi và tạo ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt. Điều đặc biệt là sản phẩm thịt chua này vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng vốn có của món thịt chua Phú Thọ nổi tiếng.
Cô gái Mường xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hoa, nhà sáng lập Công ty Trường Foods chuyên sản xuất và phân phối thịt chua đến từ huyện Thanh Sơn, Phú Thọ gọi vốn tại Chương trình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank mùa 5.
Hoa cho biết, do trên thị trường không có máy móc chuyên dụng để sản xuất thịt chua nên Hoa phải mày mò nghiên cứu, tham khảo tài liệu, tự tìm tòi để có thể tạo ra được những loại máy móc phục vụ những công đoạn sản xuất như: máy trộn, máy thái, máy bổ bì…
Năm 2015, Công ty sản xuất và thương mại Trường Foods do Hoa làm Giám đốc chính thức thành lập, có trụ sở chính tại thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ). Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, Hoa tiến hành đăng ký tem truy xuất nguồn gốc nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng biết được nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và cách sử dụng sản phẩm thịt chua.
Bên cạnh đó, Hoa tập trung phát triển kênh phân phối và sau 8 năm, chị đã có gần 5.000 điểm bán thịt chua. Thịt chua Trường Food chiếm khoảng 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty từ năm 2015 đến năm 2022 trung bình là 30%/năm.
Đáng chú ý, năm 2021, dù trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, dịch vụ du lịch gặp nhiều khó khăn song doanh thu của Công ty Trường Foods do Hoa điều hành đã đạt 52 tỷ đồng/năm.
Mục tiêu của Trường Foods là đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt 420 tỷ đồng và trở thành nhãn hiệu thịt chua số 1 tại Việt Nam.
Startup trẻ chia sẻ thêm, lúc được mẹ bàn giao cơ sở sản xuất thịt chua là vẫn làm theo kiểu truyền thống, thịt ngon nhất chỉ để được 10-15 ngày. “Thời điểm đó, làm thịt chua không có công thức. Người dân làm thịt chua thường áng chừng bằng “1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc” nên chất lượng không được đồng đều, lúc thì bị đậm, lúc lại bị nhạt.
Còn hiện tại, thịt chua của công ty đã bảo quản được 2 tháng mà không hề sử dụng phụ gia hay chất bảo quản. Để ra được công thức này, Thu Hoa cho biết đã phải đổ không biết bao nhiêu thịt xuống sông rồi.
“Tôi đã thử dùng đến hơn 10 loại chất bảo quản. Tuy nhiên, mỗi lô sản phẩm tôi thử đều thấy thay đổi mùi vị. Đồng thời, tôi cũng lo sợ, khi không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng quay lưng”, chị Hoa chia sẻ.
Sau khi cân nhắc, Hoa dành thời gian để tìm hiểu cách bảo quản của các sản phẩm khác. Thực tế có nhiều sản phẩm có thể bảo quản được thời gian dài mà không cần chất bảo quản. Cuối cùng, chị đã tìm thấy màng seal – là miếng dán được dùng để lót hoặc làm kín miệng lọ, hộp. Lớp màng seal này được cấu tạo từ nhiều chất liệu khác nhau như: nhôm, PE, PP, giấy đệm… Việc sử dụng màng seal giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng.
Một số nguyên liệu dùng làm món thịt chua nổi tiếng Phú Thọ.
Chế biến thịt chua tại Công ty Trường Foods. Ảnh: PNVN
Lợi nhuận của doanh nghiệp Trường Foods được Hoa tiết lộ là khoảng 13%/năm. Sản phẩm đạt chứng chỉ ISO của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Phú Thọ. Thời gian đầu, công ty của Hoa lấy thịt tươi nóng của người dân ở địa phương, nhưng khi phát triển sản xuất ở quy mô công nghiệp như hiện tại, công ty lấy thịt mát của Meat Deli và một số nhà cung cấp thực phẩm sạch.
Nữ CEO xinh đẹp xứ Mường cho biết, trong 5.000 điểm bán của công ty hiện nay, có gần 60% nằm tại Phú Thọ, còn lại là ở các tỉnh lân cận. Mục tiêu của công ty là nếu có thêm nguồn lực đầu tư của các Shark, đến năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai sản xuất thêm các mặt hàng từ thịt lợn, ví dụ như nem chua. Kênh phân phối hiện tại của công ty chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu. Do nguồn vốn còn hạn chế nên Hoa cho biết, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư tại thị trường miền Bắc, sau đó sẽ tiến dần vào miền Trung, miền Nam.
Sản phẩm thịt chua – đặc sản của huyện Thanh Sơn – Phú Thọ, thường ăn thịt kèm với các loại lá như lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm…
Cô gái dân tộc Mường – Giám đốc Trường Foods cho biết, hiện nay công ty đã có hơn 5.000 điểm bán, cung cấp cho thị trường hơn 2,5 triệu sản phẩm mỗi năm. Dự kiến năm 2022, doanh thu sẽ đạt khoảng 65 tỷ đồng.
Tham gia Shark Tank Việt Nam để kêu gọi vốn, cô gái người dân tộc Mường gọi vốn 15 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Khi thuyết trình trước các shark, Thu Hoa cũng không giấu được xúc động khi tiết lộ mình đã dành cả thanh xuân với sản phẩm thịt chua đặc sản của quê hương.
Nhận thấy đây là một dự án khởi nghiệp cho nhiều tiềm năng phát triển, cả Shark Bình và Shark Hùng Anh dùng Golden Ticket để dành quyền đàm phán với nữ CEO. Kết thúc phần gọi vốn, Thu Hoa nhận được đầu tư của Shark Bình và Shark Hùng Anh với 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần cùng với 200 triệu của Shark Bình.
News
Đặng Văn Lâm khóa môi Yến Xuân trong ngày cưới
Chú rể Đặng Văn Lâm có hành động cực lãng mạn với cô dâu Yến Xuân trong ngày cưới của cặp đôi. Chiều 7/7, thủ môn CLB…
Chính thất vụ Nam Thư lên tiếng
Tối muộn 4/7, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng một tài khoản “phốt” diễn viên Nam Thư thuê homestay sau đó qua lại với người đàn…
Cờ nhíp mới nhất của Nam Thư đây rồi
Tối muộn 4/7, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng một tài khoản “phốt” diễn viên Nam Thư thuê homestay sau đó qua lại với người đàn…
Chân dung người đàn ông khiến Nam Thư tan tành hết sự nghiệp
Khuya 4/7, sau khi phủ nhận thông tin giật chồng, Nam Thư nhận bão phẫn nộ. Trước đó ít giờ, hình ảnh của nữ diễn viên phủ…
Giữ chân: Bầu Đức quyết tâm trả tiền thù lao khủng cho Bùi Tiến Dũng
Sau mùa giải V-League 2023/2024, dường như Bầu Đức đã đi đến quyết định giữ lại Bùi Tiến Dũng sau khi đợi anh trở về từ CLB…
Nam ca sĩ có cát xê cao nhất Việt Nam khoe biệt thự phong cách cổ
Sau gần 3 năm dọn vḕ ᵭȃy, Đan Trường ᵭã sửa sang ʟại biệt thự. Mới ᵭȃy, Đan Trường chia sẻ hình ảnh biệt thự ở Mỹ cũng…
End of content
No more pages to load