Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông ở ấp 2, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, (tỉnh Long An), Gò Ô Chùa là di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng có niên đại khoảng 200-300 năm trước Công nguyên đến 200-300 năm sau Công nguyên.

Tồn tại khoảng 5-6 thế kỷ trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa quan trọng – bắt đầu hình thành nền văn hóa Óc Eo nên Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa là bằng chứng sự phát triển không đứt đoạn từ tiền sử đến Óc Eo.

 

Cổ vật la liệt trong một bảo tàng ở Long An, có thứ gốm cổ lạ mắt đào được tại Gò Ô Chùa - Ảnh 1.
 

Hiện vật đồ gốm cổ của Gò Ô Chùa (ấp 2, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, (tỉnh Long An) đang trưng bày tại Bảo tàng Long An.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Long An – Nguyễn Thị Sáu, Gò Ô Chùa được phát hiện năm 1986 và bắt đầu khai quật từ năm 1997.

Để du khách có điều kiện tìm hiểu về di chỉ khảo cổ học ở Long An nên ngành thiết kế tuyến du lịch gồm những điểm đến: Núi đất, Cổ Sơn tự, Láng Sen, Gò Ô Chùa,…

Tuy nhiên, sau khi khai quật, do điều kiện về cơ sở vật chất ở Gò Ô Chùa không có nơi trưng bày hiện vật nên tất cả chuyển về trưng bày, gìn giữ tại Bảo tàng Long An. Từ đó, khách tham quan xem hiện vật của Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa đều đến Bảo tàng Long An.

Ở bảo tàng, những hiện vật này được bảo quản cẩn thận. Đó là những hiện vật bằng gốm như nồi, bát bồng chân trụ, dọi xe chỉ, bình, chum và một vài công cụ bằng sắt,…

“Đồ gốm được phát hiện khá nhiều và phong phú về kiểu dáng. Từ những hiện vật này, cổ vật, có thể nói, ngoài tính chất cư trú và mộ táng, Gò Ô Chùa có lẽ còn là một lò sản xuất gốm với những dấu vết than tro khá dày và mật độ mảnh gốm dày đặc, nhất là chạc gốm. Việc sản xuất gốm với tư cách hàng hóa, chứng tỏ sự phân công lao động trong xã hội khá chặt chẽ” – bà Nguyễn Thị Sáu cho biết.

Ngoài nghề gốm, nghề dệt ở đây cũng được xem trọng. Những dọi xe chỉ được phát hiện trong các mộ táng cùng dấu vết một số loại vải còn lưu giữ đến ngày nay giúp người xem hiểu rằng, cư dân Gò Ô Chùa biết dệt vải từ rất sớm.

 

Cổ vật la liệt trong một bảo tàng ở Long An, có thứ gốm cổ lạ mắt đào được tại Gò Ô Chùa - Ảnh 2.
 

Khai quật Gò Ô Chùa ở ấp 2, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An phát lộ nhiều hiện vật, đồ cổ, trong đó có đồ gốm cổ…(ảnh chụp lại).

Đặc biệt, khi khai quật Gò Ô Chùa, những nhà nghiên cứu khảo cổ phát hiện ít nhất 12 mộ còn dấu tích xương người cùng một số cụm gốm, công cụ sắt và hạt chuỗi chôn có ý thức.

Theo tài liệu ghi chép lại những nhận xét của các nhà khảo cổ trực tiếp khai quật Gò Ô Chùa, “qua các di vật cho thấy, nơi đây tồn tại 2 hình thức mai táng là mộ vò và mộ đất. Trong đó, mộ vò sử dụng mai táng không có kích thước lớn, có thể chỉ là một nồi gốm bình thường và chỉ dùng cho trẻ em.

Táng thức chủ yếu là mộ huyệt đất, được sắp xếp trật tự theo một hướng nhất định. Nhìn chung, các mộ huyệt đất có cùng niên đại và ở vào giai đoạn muộn của địa điểm này”.

Những di vật xương người – dù hóa thạch theo thời gian, nhưng giá trị vẫn nguyên vẹn. Đó là dấu tích của những người tiền sử từng sinh sống trên mảnh đất Long An.

Tất cả “bộ sưu tập” cổ vật, hiện vật được khai quật từ Gò Ô Chùa là những báu vật vô giá, có ý nghĩa khoa học to lớn để khách tham quan, thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được cuộc sống của chủ nhân di chỉ khảo cổ học này cũng như những thông tin về nhân học, táng tục của họ.

Với ý nghĩa này, Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 2004, được gìn giữ, phát huy giá trị trong việc nghiên cứu và phục vụ khách tham quan.

Nếu du khách đến Long An, nhớ vào bảo tàng xem hiện vật cổ, cổ vật. Đó là những vết tích lưu dấu sự hình thành, phát triển của cư dân thời tiền sử mà ngày nay, chỉ có các di vật này mới là bằng chứng sống động nhất.