Người đàn ông không những không được ngồi vào bàn ăn mà còn phải ăn cơm thừa canh cạn, làm đủ mọi việc lớn nhỏ trong nhà.

Có lẽ phần lớn đàn ông Việt Nam và các nước Á đông đều không thích ở rể, vì họ cho rằng đàn ông mà ở rể thì hình tượng của bản thân sẽ bị hạ thấp đi nhiều, lời nói trong gia đình không có trọng lượng. Do đó, sau khi kết hôn người con gái thường sẽ theo chồng về nhà chồng, hưởng phúc phần nhà chồng chứ trường hợp ngược lại thì không nhiều.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng tuân theo quy luật đó, đôi khi vì nhà vợ chỉ sinh con một hoặc có điều kiện kinh tế hơn,… thì chàng trai sẽ theo vợ về làm rể và sống cùng với bố mẹ vợ luôn. Có gia đình sẽ coi chàng rể như con trai hoặc như khách mà đối đãi, nhưng đó có thể là khởi đầu của bi kịch đối với một số người khác, chẳng hạn như câu chuyện của anh Tằng sống ở thị trấn Tất Tiết, tỉnh Qúy Châu, Trung Quốc.

Người đàn ông 33 tuổi kể rằng, anh và vợ được người quen giới thiệu, cả hai yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Khi yêu, cả hai rất ngọt ngào, cuồng nhiệt, giống như những cặp đôi bình thường. Lúc nào họ cũng muốn được gặp mặt nhau, cùng nhau đi du lịch và không quên tặng quà cho nhau vào dịp lễ Tết.
Anh Tằng đã ở ể 7 năm và có với vợ 1 đứa con. 


Sau một thời gian hẹn hò, cả hai tiến tới hôn nhân. Vì quá yêu vợ nên anh Tằng đã quyết định về ở rể. “Lúc đó vì quá yêu vợ nên tôi sẵn lòng làm bất cứ điều gì vì cô ấy. Bố mẹ tôi sinh được 4 người con, tôi có 1 chị gái, 1 em gái và 1 em trai. Bên nhà vợ có 6 chị em gái, không có con trai. Vợ tôi sống cùng bố mẹ nên cô ấy muốn tôi đi làm rể. Tôi đã đồng ý”, anh Tằng chia sẻ.

Ngót nghét 7 năm đã trôi qua, giờ đây anh và vợ có với nhau một đứa con 3 tuổi rưỡi. Thế nhưng cuộc sống ở rể lại không hề dễ dàng, nó đang dần dần gặm nhấm tâm hồn anh, khiến anh chán nản, mệt mỏi.

Anh Tằng cho biết, điều kiện gia đình anh rất khó khăn. Anh đang mở một tiệm cắt tóc nhưng việc làm ăn vài năm gần đây không tốt, nên anh không những không kiếm được tiền mà ngược lại còn nợ chồng nợ chất. Tiền anh kiếm được còn không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày nên dù con đã 3 tuổi rưỡi nhưng vẫn chưa được đi học.

Còn vợ anh Tằng, cô ấy không có việc làm, suốt ngày ra ngoài chơi mạt chược. Nhiều lần anh khuyên vợ, ngỏ ý hai vợ chồng cùng nhau đi làm hoặc kinh doanh nhỏ nhưng cô đều gạt phăng đi.


Người đàn ông cho biết anh và vợ giống như hoán đổi thân phận cho nhau, anh làm vợ còn vợ làm chồng. 

Người đàn ông trải lòng: “Tôi và vợ giống như đang hoán đổi thân phận, tôi là vợ còn cô ấy là chồng. Một tay tôi chăm con từ khi nó chào đời. Mỗi ngày tôi đều phải giặt giũ, nấu cơm và chăm sóc con cái. Tôi sống thu mình, không có sở thích nào đặc biệt. Tôi chỉ mong có nhiều thời gian bên vợ mà thôi.

Còn cô ấy như đàn ông, có hôm đi chơi mấy ngày không về, gọi điện về nhà cũng chẳng thèm hỏi con có ăn được không, ngủ ngon không. Cô ấy thường xuyên đi chơi nửa tháng mới về nhà”.

Không chỉ vậy, đứa con sinh ra còn không được mang họ của anh Tằng. Bố mẹ vợ dường như cũng chẳng nể trọng chàng rể chút nào. “Chưa bao giờ tôi được ngồi vào bàn ăn cơm cùng nhà vợ, chỉ được ăn cơm thừa canh cạn. Tôi cũng chưa khi nào có quá 30 tệ (khoảng 100 nghìn) trong người cả”, anh Tằng chua chát nói.

Cuộc sống ở rể khốn khổ cộng thêm không có bạn, không có ai để trút bầu tâm sự khiến anh Tằng cảm thấy mình như bị trầm cảm. Không còn cách nào khác, anh chỉ đành đăng video trải lòng lên mạng xã hội để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
Trong suốt 7 năm ở rể, anh chưa bao giờ được ngồi vào bàn ăn cùng bố mẹ vợ. 
Dẫu vậy, anh Tằng vẫn nghĩ hiện tại anh đang rất ổn và không có ý định ly hôn. “Tôi vẫn rất yêu vợ. Suy nghĩ của tôi khá truyền thống, nếu tôi đã xác định bên ai thì tôi sẽ bên người ấy suốt đời. Dù cuộc sống khó khăn thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không bao giờ bỏ cuộc đâu”, anh Tằng dứt khoát trả lời.

Thực ra, ở rể không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, to tát trong xã hội hiện đại. Ngoài kia có rất nhiều người đàn ông đi ở rể và hạnh phúc, được bố mẹ vợ tôn trọng và tạo điều kiện để con rể cảm thấy thoải mái như ở nhà. Với anh Tằng, đó chỉ là một trường hợp hy hữu mà thôi, bởi bố mẹ nào mà chẳng yêu thương con, mong muốn con cái được hạnh phúc, vui vẻ chứ.

6 điều các anh chồng nên chú ý khi ở rể

– Hãy tôn trọng bố mẹ vợ như bố mẹ mình.

– Chủ động về kinh tế, tiền bạc chứ đừng phụ thuộc vào nhà vợ.

– Không ba hoa, khoe khoang thành tích hoặc cố tỏ ra mình là người tài giỏi trước mặt bố mẹ vợ. Hãy là người đàn ông chân chính, bản lĩnh, sống đúng với lòng mình là được.

.- Đối xử với vợ ân cần, chu đáo

– Hãy giúp vợ, bố mẹ vợ làm việc nhà như nấu nướng, rửa bát hay quét nhà,…

– Bỏ qua mặc cảm ở nhà và coi nhà vợ như nhà mình.

Đàn ông lấy vợ ở rể: Không phải ai cũng làm được

Lâu nay, định kiến về đàn ông ở rể luôn tồn tại trong tiềm thức của nhiều người. Vì thế, nhiều người chồng chấp nhận ở rể luôn mang tâm lý nặng nề.

Đối với những người đàn ông đi ở rể, nếu không được nhà vợ thấu hiểu và thông cảm, họ sẽ luôn sống trong cảm giác tự ti và xa lánh, không hòa đồng với mọi người. Từ chuyện ăn uống , sinh hoạt đều phải dè chừng, đều phải nhìn mặt cả nhà vợ để sống.

Hiếu Minh (30 tuổi) là trai tỉnh lẻ, còn vợ anh là cô gái con một, nhà ở Hà Nội. Sau kết hôn, vợ anh ngỏ ý muốn cùng anh về sống với bố mẹ vợ để ông bà tiện chăm sóc con cái sau này và tiết kiệm chi tiêu của hai vợ chồng.

Dù miễn cưỡng nhưng Minh buộc phải chấp nhận vì lúc đó thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ gói gọn trong 20 triệu. Với số tiền này và cuộc sống ở Hà Nội, không biết đến bao giờ vợ chồng anh mới mua được nhà.

Ở rể, Minh luôn nhận lại những lời dị nghị từ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Không ít lần, anh phải chịu những lời nói móc máy của các ông chú, ông cậu ở quê. “Họ bảo, là thằng đàn ông, không được ở rể dù phải tay gậy tay bị cũng phải là chính mình”.

Hiếu Minh tâm sự: “Có những chuyện chỉ có thể tự mình trải qua mới hiểu được hết cảm giác, có những loại hoàn cảnh cũng chỉ có thể lựa chọn chấp nhận chứ không còn cách nào khác”.
 Ở rể là vấn đề không phải ai cũng làm được. Ảnh minh hoạ
Với trường hợp của Nghĩa (32 tuổi, Nam Định), anh chung sống với bố mẹ vợ dưới sự khinh thường của gia đình nhà vợ. Anh bị bố mẹ vợ chê quê mùa, cục mịch, không biết quan hệ, giao tiếp. Dù cảm thấy khó chịu nhưng Nghĩa vẫn phải im lặng.

Đỉnh điểm là có lần bạn Nghĩa đến nhà anh đưa tài liệu, thế nhưng, bố mẹ vợ Nghĩa không những không mời bạn anh vào nhà mà còn tỏ thái độ khinh miệt với con rể và bạn của con.

Điều này đã khiến Nghĩa xấu hổ và tổn thương sâu sắc. Đã có lúc Nghĩa từng nghĩ, bản thân không thể tiếp tục cuộc sống ở rể nhà vợ và tính đến cảnh ly hôn để giải thoát cho cả hai.

Trong xã hội ngày nay có nhiều người đàn ông đang và sẽ sống cùng bố mẹ vợ bởi nhiều lý do như nhà vợ chỉ có duy nhất một cô con gái; ở với bố mẹ vợ tiện cho việc sinh hoạt học tập của gia đình… Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau.

Tuy nhiên ngày nay, chuyện ở rể được mọi người suy nghĩ hiện đại hơn. Không ít bố mẹ vợ xem con rể giống như con trai khi sống chung dưới một mái nhà, yêu thương và xóa khoảng cách con rể là… “người ngoài”. Nhiều chàng rể cũng xem mình là một thành viên có đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một người con khi sống cùng nhà vợ.

Theo chuyên gia tâm lý, các gia đình thường quý trọng những chàng trai sẵn sàng ở nhà vợ. Điều này xuất phát từ tâm lý “dâu là con, rể là khách”, họ cố gắng để con rể cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi sống trong nhà.

Hơn nữa, khi có con rể trong nhà, các thành viên cũng chú ý cư xử và sinh hoạt làm sao để tránh người ngoài đánh giá không hay bởi xã hội ít nhiều vẫn chú ý đến gia đình có con rể ở cùng. Thế nên, điều kiện đã thuận lợi như thế chỉ cần con rể biết cư xử khéo là được.