Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước để khắc phục tình trạng đơn vị thua lỗ, công nhân không thu nhập nhưng lãnh đạo lương rất cao.

Thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng 24/10, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nói nguyên nhân của bất cập này là người quản lý doanh nghiệp nhà nước đang được áp dụng bảng lương khác với lao động. Vì vậy, “phải cải cách để người quản lý cùng hưởng lương như lao động, lợi nhuận cao thì cùng hưởng cao”.

Bộ trưởng Dung cho hay, hiện Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp, để họ tự ban hành, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu. Thang bảng lương ba năm tăng một lần dẫn đến “bà tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư mới ra trường”.

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2024 theo nghị quyết 27 Trung ương. Ông Dung đánh giá đây là quyết định đúng đắn vì 6 năm qua, nghị quyết 27 chưa được thực hiện nhiều. Mỗi năm lương tăng 7% “nhưng thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương”.

Theo ông, lương kỹ sư mới ra trường là 3,5 triệu đồng (thấp hơn lương tối thiểu 3 vùng). Sinh viên tài năng ra trường được hưởng bậc lương 2,67 nhân lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Như vậy thì không đảm bảo được cuộc sống và gốc rễ vấn đề là xóa bỏ mức lương cơ sở để trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 bảng lương.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Nguyên Phong

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Nguyên Phong

Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội cũng đề nghị điều chỉnh lương hưu đồng bộ với cải cách tiền lương. “Nếu như không nâng thì họ tụt lại phía sau, càng xa mức sống đời thường”, ông Dung nói.

Tại đoàn Yên Bái, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đợt cải cách tiền lương sắp tới “mang tính lịch sử, tạo phấn khởi cho xã hội, cán bộ, công chức, viên chức”. Để có 560.000 tỷ đồng cải cách tiền lương đến năm 2026 là nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của các cơ quan vì những khó khăn do Covid-19 và tác động từ thế giới.

Cải cách tiền lương sẽ nâng cao đời sống cán bộ, công chức và gia đình họ, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Bảng lương theo hệ số hiện nay được áp dụng từ năm 2004, qua bốn lần cải cách, đến giữa năm sau sẽ thay bằng bảng lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo quản lý.

Bà Trà cho biết nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương được tính toán từ năm 2024, sau đó mỗi năm tăng 7% bù trượt giá và tăng GDP đến 2026. Sau đó, “nếu không nỗ lực thì khó thực hiện tiếp”.

Vì vậy, để có nguồn cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tăng hàng năm, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị tăng thu, tiết kiệm chi, tạo nguồn lực tài chính bền vững. “Chúng ta mong mỏi nhất khi cải cách tiền lương là ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương, giúp viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ phấn khởi, yên tâm công tác”, bà nói.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị tăng lương phải đi kèm kiềm chế lạm phát. Theo bà, mỗi lần tăng lương đều có tác động tiêu cực như lạm phát, giá tăng. Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023 có 31% hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá tăng cao. “Tăng lương mà không kèm biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa không được đảm bảo”, bà Mai nói.