Không chỉ có vải mà một số loại quả như nho, dứa, táo, xoài khi để lâu lượng đường sẽ bị lên men rồi chuyển hóa thành rượu, con người ăn vào sẽ bị tăng nồng độ cồn trong máu.

Ăn hoa quả cũng giống như “uống rượu”?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, vải là loại quả chứa lượng đường cao. Quả để môi trường bên ngoài thời gian dài sẽ xảy ra hiện tượng “hóa đường thành rượu”, tức là lên men rượu.

Người ăn quả vải có lượng đường trên sẽ bám vào khoang miệng, khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, máy sẽ báo có cồn ngay.

“Bởi máy đo nồng độ cồn không xác định đối tượng uống rượu bia hay không mà rất nhạy với cồn, do đo tự động nên mới xảy ra tình trạng ăn vải cũng thổi ra nồng độ cồn”, PGS Thịnh nói.
Ăn vải, uống thuốc ho cũng dính lỗi nồng độ cồn - 1

Ăn vải xong, hơi thở sẽ có nồng độ cồn.

 

Cũng theo PGS Thịnh, khi vào trong dạ dày một thời gian, lượng cồn trong vải rất nhỏ, không đủ để hấp thụ vào trong máu, chuyển hóa qua phổi, khiến cho hơi thở có cồn. Chính vì vậy, dù ăn ít hay nhiều thì máy đo vẫn báo nồng độ cồn trong khoang miệng sau khi ăn vải.

“Không riêng gì vải mà nhiều loại trái cây khác như: nho, sầu giêng, dứa, táo, chuối, xoài thậm chí là một số loại siro ho hay thuốc uống khi lên men, ai ăn vào cũng xảy ra hiện tượng trên. Chúng ta để ý vị giác cũng có thể nhận ra, bởi những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua”, PGS Thịnh nói.

Có cần sửa luật không?

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ giữa việc người sử dụng rượu bia và người chỉ ăn hoa quả khi lái xe nhưng trong miệng vẫn có nồng độ cồn để tránh xử lý sai, không công bằng.

Lý giải về điều này, ông Thịnh cho biết, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đều xử phạt những cá nhân vi phạm khi điều khiển phương tiện trong máu có nồng độ cồn. Tất nhiên cũng có những trường hợp người ăn hoa quả, quá may đo cho kết quả có nồng độ cồn, nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ.

Thậm chí, ăn xong chỉ vài phút sau lượng cồn trong khoang miệng sẽ bay hết. Cho nên, không nên “vịn” vào việc hoa quả tạo ra nồng độ cồn rồi sửa một bộ luật nào đó được. Bởi đã là luật thì người dân nên chấp hành tuyệt đối.

“Không nên thay đổi luật, cũng không cần chế tài quy định rõ về việc lái xe uống rượu bia và lái xe sử dụng hoa quả hay thuốc. Bởi để hình thành một bộ luật vốn khá rắc rối và liên quan tới rất nhiều vấn đề. Còn chưa kể tới việc có nhiều lái xe sẽ dựa vào lý do này để chống chế, dù trước đó uống rượu bia nhưng lại nói là ăn hoa quả thì rất khó phân định. Làm sao để chứng minh được một người trước đó ăn hoa quả hay uống rượu bia”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ăn vải, uống thuốc ho cũng dính lỗi nồng độ cồn - 2

Đã uống rượu bia, thì không lái xe.

Mặt khác, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, cồn hoa quả hay cồn rượu bia cùng là một loại cồn, kể cả là ít hay nhiều. Do vậy, khi tham gia giao thông, tốt nhất là các tài xế nên chú ý tránh ăn nhiều các sản phẩm này, hoặc sau khi ăn xong nên súc miệng kỹ, ngồi nghỉ 30 – 60 phút để lượng cồn bay hết trước khi lưu thông trên đường để tránh “tình ngay lý gian”.

“Theo tôi nghĩ, điều khiển phương tiện thì các tài xế cũng nên tránh sử dụng các loại hoa quả có khả năng lên men, nếu không khi bị kiểm tra nồng độ cồn sẽ khó mà giải thích”, ông Thịnh cảnh báo.