Ngày hè 56 năm trước, tiểu đội nữ thanh niên xung kích đang san gạt hố bom, nối ray tàu hỏa thì bom Mỹ dội xuống, 13 cô gái tuổi đôi mươi mãi mãi ra đi.

Câu chuyện 13 nữ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh ở núi Nấp vẫn luôn được người dân và chính quyền địa phương nhắc nhớ dịp 27/7 hàng năm. Núi Nấp từng là tọa độ bị đánh phá khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ, trước thuộc huyện Đông Sơn, nay sáp nhập về phường An Hưng, TP Thanh Hóa.

Đường sắt Bắc Nam chạy gần chân núi nấp ở phường An Hưng hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng

Đường sắt Bắc Nam chạy gần chân núi Nấp ở phường An Hưng hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng

Theo văn bia dựng gần chân núi Nấp và tư liệu lịch sử của Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa, Đội Thanh niên xung phong 87 gồm ba đại đội 871, 872, 873, biên chế khoảng 600 người, thành lập cuối năm 1965, đầu năm 1966.

Đội viên hầu hết là con em tỉnh Thái Bình, được giao phụ trách ga, cầu đường sắt từ thị xã Thanh Hóa tới ga Thị Long (huyện Nông Cống), đi ứng cứu ở ga Đò Lèn, ga Nghĩa Trang và cầu Hàm Rồng. Ngoài ra, Đội Thanh niên xung phong 87 còn làm các tuyến đường tránh để giấu đầu máy xe lửa tại núi Nhồi, tổ chức trực chiến, chốt giữ ở cầu Cun, cầu Thọ Hạc… đảm bảo giao thông ở các trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá.

Cuối tháng 10/1966, Đại đội 873 gồm 200 đội viên, trong đó có 170 nữ, 30 nam, được điều động về đóng quân tại xóm Văn Miếu, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn với nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa chi viện chiến trường miền Nam. Nơi này có địa hình phù hợp để cất giấu tàu xe và nhiều vật tư, hàng hóa khác.

Với mục tiêu “không để mạch máu giao thông ngừng trệ”, những thanh niên xung phong được ví như con thoi dưới làn bom, đạn địch. Riêng hai năm 1966-1967, tiểu đội xung kích Đại đội 873 đã đào đắp hơn 10.000 m3 đất đá, khắc phục 140 trận đánh phá của không quân Mỹ, giữ vững tuyến đường sắt để các đoàn tàu vận chuyển hơn 16.000 tấn lương thực, vũ khí, đạn dược vào phục vụ chiến trường phía Nam.

Nhà bia tưởng niệm sự kiện ngày 11/5/1967 gần chân núi Nấp. Ảnh: Lê Hoàng

Nhà bia tưởng niệm sự kiện ngày 11/5/1967 gần chân núi Nấp. Ảnh: Lê Hoàng

Phát hiện ra tọa độ giao thông trọng yếu này, có thời điểm máy bay Mỹ bắn phá liên tục 60 ngày đêm. 11/5/1967 là ngày bi tráng ở trận địa bảo vệ đường sắt dưới chân núi Nấp. Rạng sáng, máy bay Mỹ quần thảo, đánh phá làm hư hỏng nặng hơn 200 m đường sắt. Lệnh của cấp trên phải tập trung lực lượng sửa chữa đảm bảo thông đường nhanh nhất.

Tiểu đội xung kích 873 do Đại đội phó Vũ Thị Minh Lý chỉ huy, phối hợp cùng công nhân đường sắt nhanh chóng san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray. Tiếng máy bay vừa ngớt, họ lại cầm cuốc xẻng lao ra làm việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, tiểu đội xung kích san lấp hố bom, vá đường, nối ray, đảm bảo mục tiêu thông xe trước 21h cùng ngày. Tuy nhiên, khoảng 20h45, khi mọi người đang hối hả siết lại những con bu lông cuối cùng, thu dọn đất đá, kiểm tra an toàn lần cuối, chuẩn bị thông đường, máy bay Mỹ bất ngờ lao đến thả bom.

Bốn quả bom dội trúng đội hình của tiểu đội xung kích, 13 cô gái thanh niên xung phong cùng bốn công nhân đường sắt hy sinh tại chỗ. 27 nam, nữ thanh niên xung phong khác bị thương.

Tất cả người ngã xuống quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trẻ nhất là chị Vũ Thị Hương 17 tuổi, nhiều nhất là chị Nguyễn Thị Nhạn mới 21 tuổi.

13 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong đều quê ở Đông Hưng, Thái Bình có chung một ngày giỗ. Ảnh: Lê Hoàng

13 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong đều quê ở Đông Hưng, Thái Bình có chung một ngày giỗ. Ảnh: Lê Hoàng

“Đêm ấy bầu trời Đông Văn xám xịt, người chết và bị thương nằm la liệt quanh những hố bom”, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch phường An Hưng, dẫn lại lời nhân chứng năm đó. Trong ánh đèn dầu leo lét, hàng trăm cán bộ và người dân trong xã đã gom nhặt thi hài khâm liệm, đưa đi an táng.

43 năm sau sự kiện núi Nấp, ngày 22/2/2010, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tiểu đội xung kích thuộc Đại đội 873. Địa danh núi Nấp được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

Phó chủ tịch UBND phường An Hưng cho biết thêm, địa phương nhiều lần chia tách, sáp nhập, các nhân chứng thời kỳ đó không còn nhớ chính xác vị trí 13 nữ thanh niên xung phong hy sinh mùa hè năm 1967. Tuy nhiên, một nhà bia tưởng niệm đã được xây dựng trên mảnh đất khoảng 2.000 m2, cách chân núi Nấp 300 m, gần tuyến đường sắt Bắc Nam để tưởng nhớ sự kiện này.

Video Player is loading.


Hiện tại 0:18

/

Thời lượng 0:29

Đã tải: 0%

Tiến trình: 0%

Nhà bia tưởng niệm sự kiện 13 nữ liệt sĩ hy sinh tại núi Nấp. Video: Lê Hoàng

Hàng năm vào ngày giỗ các chị hay dịp lễ Tết, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, người dân khắp nơi ở Thanh Hóa và địa phương khác vẫn thường xuyên đến đây dâng hương, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống.