Vợ chồng người H’Mông ở Hà Giang xuống Hà Nội làm thuê. Khi nhớ con muốn về thăm nhà thì chủ không trả tiền, họ phải đi bộ dọc theo đường sắt để về nhà. Khi đói và kiệt sức, họ được gia đình anh Phạm Chung giúp đỡ.

Bài đăng của anh Phạm Chung trên mạng xã hội kể về câu chuyện hai vợ chồng người dân tộc H’Mông dầm mưa đi bộ từ Hà Nội về Hà Giang đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Khoảng 11h trưa 24/6, trên đường sắt đoạn đi qua giữa 2 tổ dân phố Núi 1 và Núi 2 (phường Nam Tiến, huyện Phổ Yên, TP Thái Nguyên), người dân phát hiện có 2 người ngồi trên đường tàu.

Hỏi chuyện thì được biết đó là 2 vợ chồng người dân tộc H’Mông trú tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Hai vợ chồng thông qua người môi giới xuống Hà Nội làm thuê. Được 2 tháng, vì nhớ con nên xin về nhưng chủ không trả tiền và giấy tờ. Hai người đành đi bộ dọc theo đường tàu từ Hà Nội để về quê.

Sau 7 ngày đi trên đường mệt và đói, may mắn cặp vợ chồng được gia đình anh Phạm Chung (SN 1994) giúp đỡ.


Vợ chồng anh Chung mời đôi vợ chồng xa lạ về nhà, cho quần áo tắm rửa và mời cơm.

Anh Phạm Chung kể lại với VietNamNet: “Từ sáng tôi đã thấy có 2 người ngồi gần đường tàu phía cánh đồng trống không có nhà dân. Tôi lại tưởng đội trẻ chơi ở đó nên không để ý”.

Đến trưa, dù trời mưa gió vẫn thấy 2 người ngồi đó nên bác của anh Chung đi ra hỏi chuyện thì biết được hoàn cảnh của vợ chồng người Hà Giang này. Bác mời họ vào nhà ăn cơm nhưng họ từ chối. Sau đó, người nhà mang bát cơm và đồ ăn ra họ mới nhận và ngồi ăn ngon lành. Vợ chồng anh Chung lúc ấy biết chuyện nên cùng nhau ra hỏi thăm tình hình của họ.

“Nhìn thấy họ ngồi dưới mưa, ăn hết bát cơm chan nước mưa mà tôi xót ruột. Anh chồng còn nhường hết đồ ăn cho vợ, anh ấy chỉ ăn mỗi quả trứng. Nhìn vợ chồng họ nghèo nhưng thương nhau làm tôi thấy mủi lòng. Lúc ấy thấy họ quá mệt và đói, tôi chỉ nghĩ đến việc đưa họ về nhà tắm rửa, cơm nước rồi sẽ tính tiếp xem làm gì giúp họ”, anh Chung nói.

Qua trò chuyện, anh Chung biết được đôi vợ chồng người H’Mông đi bộ dọc theo đường tàu đã 7 ngày, đói, khát và dầm mưa cả đêm. Cô vợ Hoàng Thị Mị (SN 1998) vì quá đuối sức, không thể đi nổi nên khi trời sáng, anh chồng Lò Mí Pó (SN 1999) đi bắt ốc bươu vàng, 1 con thằn lằn và bẻ 1 củ măng nướng lên ăn cho đỡ đói.

“Cũng may đêm qua không có tàu đi qua đây khi họ ngủ lại ngay trên đường tàu này. Và cũng may vì họ mệt do dầm mưa cả đêm nên mới nghỉ lại ở đây thì chúng tôi mới phát hiện ra”, anh Chung nói.

Anh Chung mời đôi vợ chồng người Hà Giang về nhà, đưa quần áo cho thay và gợi chuyện để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của họ. Hai vợ chồng Pó và Mị nhiều ngày lội bộ về quê, cứ mải miết đi theo đường ray tàu hỏa. Họ đi đến khi tối trời không thấy đường thì dừng lại nghỉ, lúc nghỉ ở đường tàu, lúc dưới gầm cầu.

“Họ không dám vào nhà dân xin ăn hay xin tiền vì họ sợ người ta hiểu nhầm và không cho. Họ chỉ dám xin nước uống ở vòi, dọc đường gặp cây gì ăn được thì ăn, lúc thì bới rác lúc thì bắt ốc. Chỉ vì nhớ con mà họ có thể làm tất cả để về với con, chịu đói chịu rét nhưng vẫn rất trong sạch, không tr.ộm c.ắp”, anh Chung nói.

Người chồng kể lại câu chuyện cặp đôi dầm mưa dãi nắng, chịu đói chịu khát để tìm đường đi bộ về nhà. Vợ chồng anh Chung đã giao lại toàn bộ số tiền anh em bạn bè hỗ trợ giúp đỡ vợ chồng Pó – Mị.

“Mỗi tháng 2 vợ chồng họ làm 28, 29 công. Làm gần 3 tháng vậy mà chủ không trả một đồng nào để họ gửi tiền về cho con. Ở quê, họ còn bố già và 3 con nhỏ. Họ vất vả đi làm kiếm tiền vậy mà bị l.ừa, đã vậy còn lấy hết giấy tờ và không có một đồng nào để được về nhà, khổ thật sự”, chị Quỳnh Như – vợ anh Chung chia sẻ.

Thương 2 người thật thà bị l.ừa gạt, vợ chồng anh Chung quyết tâm giúp đỡ họ tới cùng. Không chỉ đưa quần áo cho 2 vợ chồng tắm giặt, đãi 2 bữa cơm mà anh Chung còn chu đáo lo chỗ ngủ nghỉ và sấy đồ giúp họ.

“Tôi liên hệ bạn bè tìm xe để sáng 25/6 bắt xe cho họ về Hà Giang. Và nhờ 1 người bạn trên đó bắt tiếp xe để đưa họ về tận Đồng Văn”, anh Chung nói.

Qua câu chuyện chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều anh em bạn bè của anh Chung có số tài khoản đã chủ động gửi tiền nhờ anh giúp đỡ hai vợ chồng thật thà kia. Chỉ trong vòng chưa tới 12 tiếng, tổng số tiền anh Chung và bạn bè giúp đỡ vợ chồng Pó- Mị là hơn 9 triệu đồng. Anh Chung đã bàn giao cho Pó luôn trong đêm 24/6.

“Mặc dù mình không kêu gọi ủng hộ, nhưng vẫn có người có số tài khoản của mình nên chuyển tiền để gửi tới vợ chồng bạn ấy. Có những cô chú anh chị còn tới tận nhà để đưa trực tiếp. Mình có ghi lại danh sách những người đã giúp đỡ, và hiện giờ mình không nhận tiền nữa. Hai vợ chồng họ đã đi nghỉ để sáng ra lên xe về nhà”, anh Chung nói.
Sáng 25/6, gia đình anh Chung đã liên hệ được nhà xe chở vợ chồng Pó – Mị đi từ Thái Nguyên về Hà Giang.
“Hai bạn đã lên xe về Hà Giang, về với con và gia đình. Mong rằng sau này hai bạn sẽ có cuộc sống ổn định hơn. Thông qua mạng xã hội tôi chia sẻ tình huống của vợ chồng họ, mong rằng sẽ cảnh báo để những con người hiền lành chất phác như họ sẽ không bị l.ừa gạt. Tôi cũng đã tư vấn cho họ nếu chẳng may gặp phải sự cố như thế này trước tiên hãy tới trình báo cơ quan công an hay chính quyền thay vì cùng nhau đi bộ như vậy”, Chung nói.

Hết tiền, 2 lao động bị quỵt lương đi bộ cả trăm cây số về nhà

Chiều 19/6, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng – Trưởng Công an xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 2 trường hợp nghi bị quỵt tiền công, đi bộ về quê.

Trước đó, thông tin đăng tải trên mạng xã hội, hai cha con quê Nghệ An đi làm thuê ở Quảng Nam nhưng sau 2 tháng không được trả lương. Mới đây, hai cha con bắt xe về Nghệ An, đến thành phố Vinh, Nghệ An thì hết tiền nên quyết định đi bộ về.
Thời điểm được người dân phát hiện đi bộ về quê, ông Tiến và cháu Cường trong tình trạng đói, mệt, chân bị phồng rộp (Ảnh: N.H).
Khoảng 10h10 ngày 19/6, khi đi bộ đến khu vực chợ Cồn (xã Thanh Dương, Thanh Chương, Nghệ An), hai bố con được người dân phát hiện và báo cho một nhóm từ thiện tại địa phương. Thời điểm này, do đi bộ liên tục qua quãng đường hơn 40km trong thời gian gần 5 tiếng đồng hồ, chân hai người bị phồng rộp, rớm máu.

Anh Nguyễn Tư Hoàng (quê huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: “Khi tiếp nhận thông tin từ người dân, tôi lập tức chuyển 1 triệu đồng hỗ trợ hai bố con chi phí về quê, người dân ở đó cũng hỗ trợ thêm 400.000 đồng. Người bố nói tiếng Việt không rõ, cho biết quê ở xã Thanh Hương, Thanh Chương. Do thời điểm này không bắt được xe khách nên anh Trần Văn Cường – thành viên nhóm “xe 0 đồng” quyết định chở 2 người về”.
Cán bộ Công an xã Ngọc Lâm phiên dịch, lấy thông tin người dân sau khi tiếp nhận (Ảnh: N.H).
Tuy nhiên, khi đến xã Thanh Hương, hai người không nhớ chính xác ở bản nào. Nghe người đàn ông nói tiếng Thái nên tài xế chở 2 cha con lên xã Ngọc Lâm, nơi có đông đồng bào Thái ở. Tiếp tục tìm kiếm nơi ở không có kết quả, tài xế đã liên hệ với Công an xã Ngọc Lâm để được hỗ trợ.

Sau khi tiếp nhận, Công an xã Ngọc Lâm đã bố trí nơi nghỉ ngơi, ăn uống cho cả hai. Qua phiên dịch của cán bộ công an xã và tra cứu thông tin, Công an xã Ngọc Lâm xác định được nhân thân của 2 người.

“Người đàn ông tên là Ốc Văn Tiến, 57 tuổi, trú xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An, còn cháu bé tên là Moong Văn Cường, 15 tuổi, trú tại xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương. Hai người không phải là bố con, cũng không có quan hệ họ hàng”, Thiếu tá Hưng cho hay.

Như vậy, nếu đi bộ từ thành phố Vinh về Tương Dương, hai người sẽ phải di chuyển quãng đường hơn 160km.
Công an xã Ngọc Lâm xác minh thông tin hai công dân đi bộ về quê là ông Ốc Văn Tiến và cháu Moong Văn Cường, đều trú tại huyện Tương Dương, Nghệ An (Ảnh: N.H).
Qua mạng xã hội, người nhà ông Ốc Văn Tiến đã nhận ra thân nhân. Con gái ông Tiến cho hay, ông rời nhà đi làm thuê và mất liên lạc với gia đình 2 tháng nay.

Sau khi xác định được nơi cư trú của ông Tiến và cháu Cường, Công an xã Ngọc Lâm đã liên hệ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để bố trí phương tiện đưa về quê.

Về thông tin hai người bị chủ quỵt tiền công, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng cho biết, hiện chưa có căn cứ để xác minh nội dung này.
Công an xã Ngọc Lâm chở ông Tiến và cháu Cường ra điểm đón xe về. Chi đoàn Thanh niên Công an huyện Tương Dương sẽ tiếp nhận công dân và đưa về gia đình (Ảnh: N.H).
Trong chiều 19/6, Công an xã Ngọc Lâm đã đón xe khách cho ông Tiến và cháu Cường về huyện Tương Dương. Ông Tiến sẽ được người thân đón khi về đến thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương).

Còn trường hợp cháu Cường, do từ trung tâm huyện về xã Hữu Khuông khá xa, lại không có xe chạy trong đêm nên Chi đoàn thanh niên Công an huyện Tương Dương sẽ chăm sóc cháu và bàn giao cho gia đình vào sáng 20/6.