Tai nạn là do ý thức kém chứ không phải do tốc độ, trong khi đi dưới 30 km/h là lãng phí.

“Theo tôi đề xuất xe chạy không quá 30 km/h ở một số nơi tại TP HCM là vô nghĩa. Vì nếu áp dụng, giờ cao điểm muốn chạy nhanh hơn 30 km/h cũng không được. Còn giờ thấp điểm chạy trên 30 km/h sẽ bị phạt. Nhất là đi ôtô, đường vắng mà chạy 30 km/h thì ức chế vô cùng.

Trong khi nhiều người muốn nâng tốc độ di chuyển lên nhưng phải an toàn để giảm thời gian lưu thông, đằng này lại kéo cho cả xã hội đi chậm lại. Thời gian và tiêu hao nhiên liệu hơn nếu đi chậm ai sẽ gánh?”

Bạn đọc có nickname nncuong150685 nêu quan điểm như trên sau bài viết Đề xuất xe chạy không quá 30 km/h ở một số nơi tại TP HCM. Theo đó, nếu giới hạn tốc độ 30-50 km/h khu nội đô sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông, tăng sự an toàn cho người đi bộ, xe đạp, theo Ban An toàn giao thông TP HCM.

Độc giả Nguyễn Tiến Dũng đánh giá: “Ở TP HCM và Hà Nội, nếu cho phép xe chạy tốc độ 80 km/h vào giờ cao điểm thì cũng là điều không thể. Ở Thái Lan ngay trong nội đô, họ cho chạy tối đa lên đến 80 km/h và cũng luôn kẹt xe.

Nếu giới hạn tốc độ 30 km/h chắc chắn nhiều tuyến đường TP HCM vào giờ nào cũng là giờ cao điểm. Việc luôn kẹt xe sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lái xe và càng kẹt thì nguyên nhân gây tai nạn càng dễ xảy ra do tâm lý mệt mỏi, khó chịu.

Bên cạnh đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Chúng ta cần nghiên cứu rất nhiều yếu tố mang tính khoa học và thực tế. Chúng ta cần nghiên cứu để sao giảm phương tiện cá nhân và dần cấm phương tiện xe máy trong thành phố giống như các nước trên thế giới. Hy vọng cần một giải pháp giao thông thông minh trong tương lai và không phải là giới hạn lại tốc độ”.

Độc giả Van Nguyen Cao cho rằng tai nạn trong nội đô không phải do xe cộ đi tốc độ cao: “Tai nạn trong khu vực nội đô đa phần không phải do tốc độ mà do chấp hành luật giao thông chưa tốt. Thêm vào đó mật độ phương tiện giao thông quá cao, điều kiện hạ tầng quá kém. Những lúc cao điểm thì có cho chạy 30 km/giờ cũng chả đi được. Những lúc ban đêm thì đa số là do chạy quá 50 km/h vì chủ quan, ý thức kém, rượu bia hay tội phạm thôi.

Độc giả vinh nêu cụ thể: “Hiện nay, việc xảy ra tai nạn hoặc gián đoạn thậm chí kẹt xe do người tham gia giao thông thiếu tuân thủ luật:

– Người đi bộ đi xuống lòng đường vì có những đoạn không có lề đường để đi vì lấn chiếm, buôn bán.

– Người đi xe máy đi lên lề đường, đi ngược đường hoặc xắn ngang qua đường thậm chí xông vào làn đường ôtô.

– Người đi bộ băng ngang qua đường những nơi không dành cho họ.

– Đèn quẹo trái ít, dẫn đến khi đèn xanh – đỏ giờ cao điểm kẹt xe cục bộ tại các ngã tư.

Mức xử phạt, hình thức xử phạt chưa nghiêm khắc nên người dân thực sự thiếu tuân thủ giao thông”.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết tốc độ trung bình ở TP HCM hiện là 33,8 km/h, đường sá chỉ đáp ứng 20% nhu cầu đi lại.

Cuối tháng 10/2023, một tác giả đã có bài ý kiến ‘Chúng ta nên chạy xe nhanh hơn 40 km/h’ với quan điểm: “Tôi cho rằng nếu chúng ta đi với tốc độ 40 km/h và nhường đường văn minh, mỗi người sẽ tiết kiệm được mỗi ngày 30 phút quý giá để uống cà phê, về nhà sớm hơn với gia đình, hay để tranh thủ làm một việc gì đó… tránh xa ồn ào khói bụi. Còn cái lợi cho xã hội, cho đất nước thì không biết bao nhiêu mà kể”.

Độc giả Jack Tran nói: “Muốn giảm tai nạn giao thông, thì điều cần thiết nhất là phạt cực nặng nạn đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Tôi chạy đúng luật không bao giờ vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều và chú ý quan sát nhưng không ít lần phải thắng gấp vì nhiều người vượt đèn đỏ, ngược chiều còn phóng như bay.

Khẩu hiệu ‘Nhanh một giây, chậm cả đời’ hầu như hoàn toàn vô dụng với ý thức giao thông ở Việt Nam, nên cần thiết phải đánh thật nặng vào kinh tế-đó cũng là một hình thức ‘giáo dục’ hiệu quả, chỉ cần nhìn sang Singapore là đủ hiểu, khi con người cảm thấy sợ với mức phạt nghiêm khắc thì ý thức dần dần sẽ được hình thành”.