Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) như một công cụ tài chính để rút 1.066.000 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Lập 1.000 công ty con

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan về ba tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”. Vụ án này có tới 85 bị can, trong đó có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB và nhiều cán bộ khác Ngân hàng Nhà nước

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần tập đoàn với hơn 1.000 công ty con và thành viên. Hệ sinh thái của tập đoàn này được chia thành 4 nhóm, trong đó với nhóm định chế tài chính tại Việt Nam thì Ngân hàng SCB được coi là quan trọng nhất.

Lộ 'chiêu thức' bà Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB ảnh 1

Bà Trương Mỹ Lan khi chưa bị khởi tố

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào quản lý ngân hàng SCB nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần. Để chi phối hoạt động của ngân hàng, bà Lan tuyển chọn những người thân tín và có kinh nghiệm để giữ vị trí chủ chốt.

Quá trình điều tra vụ án tại SCB, Cơ quan điều tra đã làm rõ Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước do bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng đoàn có hành vi nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả thanh tra, che giấu sai phạm cho SCB và bà Trương Mỹ Lan; giúp SCB tránh khỏi diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục tái cơ cấu mà không bị xử lý.

Cơ quan điều tra cáo buộc bị can Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn từ người dân và tổ chức, sau đó sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân của mình. Bằng cách lập hồ sơ vay vốn giả mạo, bị can này đã chiếm đoạt 93% số tiền cho vay của Ngân hàng SCB.

Các hành vi phạm tội của bà Lan được đánh giá là được tổ chức và chuẩn bị “hết sức công phu, tỷ mỷ, có kịch bản chi tiết”, bất chấp các quy định pháp luật. Bà Lan đã tận dụng nhiều chiêu trò để tránh kiểm soát của cơ quan quản lý, đặc biệt là việc sử dụng cả nghìn pháp nhân và cá nhân đứng tên giả mạo để giấu dòng tiền và tránh bị kiểm tra phát hiện.

Chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng

Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng. Bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Lộ 'chiêu thức' bà Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB ảnh 2

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại đường Trần Hưng Đạo (TPHCM). Ảnh: A.Vũ

Cơ quan điều tra kết luận rằng, mặc dù không giữ chức vụ ở SCB, bà Lan là người chi phối, lãnh đạo và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng SCB. Bà Lan bị nhận định là người chủ mưu, tổ chức và cầm đầu chuỗi hành vi phạm tội.

Theo Cơ quan điều tra, từ năm 2020, bà Lan yêu cầu lãnh đạo SCB lập một số đơn vị có chức năng cho vay trực thuộc hội sở SCB, nhằm tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ba đơn vị này bao gồm Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp và kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối tài chính cá nhân. Chúng được quản lý bởi Hội sở SCB và có nhiệm vụ chính là phục vụ giải ngân cho các khoản vay của bà Lan.

Tổng cộng, từ năm 2012 đến năm 2022, SCB đã giải ngân cho hơn 1.366 khách hàng (bao gồm 710 cá nhân và 656 tổ chức). Nhóm của bà Lan chiếm hơn 2.500 khoản vay tại SCB, với tổng số tiền giải ngân là hơn 1.066.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 875 khách hàng trong nhóm của bà Lan với gần 1.300 khoản vay vẫn còn dư nợ tại SCB, đạt hơn 677.000 tỷ đồng (bao gồm 483.000 tỷ đồng dư nợ gốc và 193.000 tỷ đồng tiền lãi).

Bà Lan còn bị cáo buộc đã sử dụng nhiều chiêu trò để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, bao gồm việc chuyển tiền giải ngân vào các công ty “ma” để sau đó rút mặt bằng và cắt đứt dòng tiền. Điều này giúp bị can hợp thức hóa việc rút tiền và ngăn chặn việc bị phát hiện.

Chi hàng triệu đô la mua chuộc đoàn thanh tra

Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án tại SCB, cơ quan điều tra đã làm rõ Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước do bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng đoàn có hành vi nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả thanh tra, che giấu sai phạm cho SCB và bà Trương Mỹ Lan; giúp SCB tránh khỏi diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục tái cơ cấu mà không bị xử lý.

Bản kết luận của cơ quan điều tra đã chi tiết hóa thông tin về việc các thành viên trong đoàn thanh tra nhận hối lộ từ SCB.

Cụ thể, bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận tiền từ SCB, với tổng số lên đến 5,2 triệu USD; cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước là ông Nguyễn Văn Hưng, đã nhận tổng cộng 390.000 USD từ lãnh đạo SCB.

16 thành viên khác của Đoàn thanh tra cũng nhận tiền và quà từ SCB, với số tiền từ 10.000 USD đến 21.000 USD, kèm theo lợi ích vật chất và quà tặng.

Bản kết luận điều tra còn chỉ ra rằng, bà Đỗ Thị Nhàn và các thành viên trong đoàn thanh tra đã không trung thực trong báo cáo về tình hình tài chính và sai phạm của SCB. Điều này đã làm cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý và ngăn chặn các hành vi phạm tội của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Cơ quan điều tra đã thu hồi nhiều nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu USD; kê biên 1.237 bất động sản, một lượng lớn cổ phần và tài sản khác để khắc phục hậu quả vụ án bà Trương Mỹ Lan.

Theo điều tra của Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không nắm giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là người có quyền lớn nhất, bởi từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại (<10%) do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Bà Lan bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại SCB (Hội đồng quản trị, Ban điều hành) nên mọi hoạt động của ngân hàng này “đều cơ bản phục vụ hoạt động” của bà Lan.

Nhà chức trách xác định, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD) của người dân và khách hàng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu theo dòng tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bà Lan và người liên quan; tài khoản, tài sản đứng tên những bị can hoặc cá nhân được nhờ đứng tên để thu hồi, kê biên, phong tỏa nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Tòa nhà Saigon One Tower tại quận 1 - một trong những bất động sản liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Thanh Tùng

Tòa nhà Saigon One Tower tại quận 1 – một trong những bất động sản liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Thanh Tùng

Đối với bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm ở nhóm ngân hàng, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng cộng gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD. Trong đó có 14,5 triệu USD trước đó bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư.

Hồi tháng 10/2022, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, Việt đã liên hệ với người liên quan để giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Lan. Cụ thể là hơn 116 tỷ đồng (khoảng 4,8 triệu USD) và 9,75 triệu USD. Về số tiền này, bà Lan đồng ý sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án.

Cảnh sát thu giữ 190.000 USD của Trần Văn Hùng, nhân viên dọn dẹp, vệ sinh căn hộ của bà Lan tại tòa nhà Sherwood ở quận 3, TP HCM. Số tiền này nằm trong hộp giấy chứa tài liệu của bị can Chu Duyệt Phần (con gái bà Lan).

Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng – một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ.

Nhà chức trách cũng phong tỏa gần 2.000 tỷ đồng, gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở Ngân hàng SCB tại của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Kê biên tổng cộng 1.237 bất động sản liên quan bà Lan, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB, hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô…

Đối với nhóm hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã thu tổng cộng hơn 25 tỷ đồng và hơn 5,3 triệu USD; sổ tiết kiệm, nhiều sổ đỏ và các đồ vật khác.

Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Cao Trí, cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản (trị giá hơn 266 tỷ đồng). Gia đình bị can cũng tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra tổng cộng 1.001 tỷ đồng.

Trong giai đoạn một của vụ án, bà Lan bị đề nghị truy tố về 3 tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

Ngoài ra, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và Rửa tiền nhưng cơ quan điều tra đã tách thành vụ án khác, tiếp tục điều tra và xử lý.