Dùng rìu, rựa tách gốc tre ra khỏi bụi, phạt bỏ phần thân trên và bán vào TP HCM, mỗi ngày làm việc 10 tiếng thợ có thể kiếm được 400.000 đồng.

Từ xa xưa người dân Quảng Nam trồng tre quanh vườn để làm nhà, đan lát, bảo vệ đất ven sông. Gần đây, người dân đốn hạ tre để lấy đất xây nhà, làm đường, tường rào và công trình công cộng. Ngoài thân tre, gốc tre được nhiều nơi thu mua làm bàn ghế, đồ thủ công mỹ nghệ.

Giữa tháng 1, ông Trần Văn Công (góc phải), 40 tuổi, ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cùng đồng nghiệp đến xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ xin gốc tre. Họ mang rìu, rựa để tách gốc tre.

Ông Ung Nho Bài, 43 tuổi, ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, chia sẻ mỗi bụi tre có nhiều đất cát, các gốc mọc sát nhau nên dùng cưa máy thì lưỡi nhanh cùn và khó cắt. Để lấy được gốc tre đều phải dùng dụng cụ thô sơ.

Gốc tre bán được phải còn chắc, không mục nên thợ phải dùng rựa chặt kiểm tra. “Đào gốc tre cần có kinh nghiệm, thợ phải nhìn vào thế của bụi tre và lấy từ ngoài vào trong”, ông Bài chia sẻ.

Sau khi tách ra khỏi bụi, thợ dùng rựa chặt bỏ mắt, rễ, chỉ lấy phần gốc.

Đôi tay thợ đào gốc tre bị chai sạn do cầm rìu, rựa suốt cả ngày. “Nghề này đỏi hỏi sức khỏe, làm việc cực nhọc. Trước đây tôi và anh Bài làm thợ xây, song từ đầu năm đến nay công trình không có. Thấy nhiều nơi mua gốc tre nên chúng tôi đi đào để bán”, ông Công nói.

Chiều xuống, hai người đào được hơn 100 gốc tre cho lên xe ba bánh chở về nhà.

Thợ dùng cưa máy cắt bỏ phần thân trên, chỉ lấy phần gốc sát mặt đất.

Gốc được phân loại, loại đường kính trên 9 cm bán 30.000 đồng, dưới 9 cm bán 20.000 đồng.

Gốc tre được chất đống, sau đó chở vào TP HCM bán để làm bát đĩa, đồ thủ công mỹ nghệ. Những gốc có hình dáng tương đồng, thẳng thì bán cho người đóng bàn ghế. Ông Bài cho biết bình quân mỗi ngày đào gốc tre cho thu nhập 400.000 đồng.

Bộ bàn ghế được nghệ nhân ở Quảng Nam chế tác từ gốc tre. Đặc điểm của loại này nhẹ, bền.

Các công đoạn đào gốc tre. Video: Đắc Thành