Để tuyến Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, đỡ ngập úng và kẹt xe, ông Trần Anh Kiệt, 58 tuổi, hiến 300 m2 đất mặt tiền trị giá 4-5 tỷ đồng giúp mở rộng đường gấp đôi.

Sáng đầu năm, ông Kiệt phấn khởi đứng bên cạnh đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh vừa được nâng cấp, mở rộng sau một tháng. Đoạn đường dài hơn 300 m từ điểm giao với đường số 25 và 48 trước đó có bề ngang khoảng 2,5 m nay được nới ra gần 6 m. Tổng diện tích mở rộng thêm là 1.000 m2 trong đó gia đình ông góp 300 m2, phần còn lại là đất nhà nước.

Ông Trần Tuấn Kiệt đứng trước đoạn đường Kha Vạn Cân do ông hiến đất mở rộng. Ảnh: Đình Văn

Ông Trần Anh Kiệt đứng trước đoạn đường Kha Vạn Cân do ông hiến đất mở rộng. Ảnh: Đình Văn

Hồi cuối tháng 11/2023, khi được UBND phường Hiệp Bình Chánh vận động hiến đất ông đã đồng ý đóng góp khoảng đất mặt tiền dài 70 m, rộng hơn 4 m nằm sát đường tàu. Ông Kiệt cho biết, mảnh đất này là của hồi môn của mẹ để lại. Ngoài ra, ông còn sở hữu một mặt bằng rộng 700 m2 ở phía đối diện mảnh đất đã hiến.

Ở phần đất đã đóng góp trước đây ông làm ao cá rồi san lấn để cho thuê tiệm bida, quán nhậu, bãi giữ xe nhưng sau đó bỏ trống để đảm bảo an toàn cho hành lang đường sắt. Do nằm trong quy hoạch mở rộng tuyến đường sắt nên khu vực này không được xây cất nhà cửa.

Nhiều năm chứng kiến xe cộ chen chúc nhau trong làn đường nhỏ hẹp vào giờ cao điểm, thường ngập mỗi mùa mưa là lý do khiến ông Kiệt góp đất làm đường thông thoát hơn để giúp người dân đi lại đỡ vất vả. Đồng thời việc mở rộng đường còn tạo thuận lợi cho đơn vị thuê mảnh đất mặt tiền rộng 700 m2 của gia đình ông.

Sau


Bấm để lật ảnh sau/trước

Trước

Đoạn đường Kha Vạn Cân được mở rộng thông thoáng từng nơi thường xuyên ùn tắc, ngập úng. Ảnh: Đình Văn

“Việc làm này đôi bên cùng có lợi. Tôi cho đi thì cũng nhận lại được”, ông Kiệt nói. Theo ông, mảnh đất đã hiến nếu được đền bù cũng tầm vài tỷ đồng nếu chiếu theo giá đất thấp nhất để bồi thường trong tuyến Vành đai 3 mới đây dao động 6-8 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết việc ông Kiệt hiến đất tạo thuận lợi cho địa phương nâng cấp tuyến đường này. Bởi nếu phải làm theo trình tự thẩm định giá, bồi thường để làm thì rất khó khăn, địa phương tốn nhiều thời gian chờ kinh phí. “Phường đang làm đề xuất khen thưởng người tốt việc cho ông Kiệt vì hành động hiến đất để khích lệ tinh thần”, ông Tuấn nói.

Ngoài đoạn đường đã được mở rộng, phần còn lại của tuyến Kha Vạn Cân dọc tuyến đường sắt vẫn còn nhiều nơi nhỏ, hẹp bề ngang rộng chưa đến 3 m khiến người dân đi lại khó khăn. Theo ông Tuấn, đơn vị đang lên danh sách, vận động thêm một số hộ dân hiến đất cùng chính quyền mở rộng thêm, đồng thời xin thành phố kinh phí để thực hiện.

Đoạn đường Kha Vạn Cân được mở rộng (bên phải) rộng gấp đôi đường hiện hữu (bên trái). Ảnh: Đình Văn

Đoạn đường Kha Vạn Cân được mở rộng (bên phải) rộng gấp đôi đường hiện hữu (bên trái). Ảnh: Đình Văn

Chủ trương hiến đất mở rộng hẻm, đường ở TP HCM được chính quyền triển khai từ năm 2000. Hơn 20 năm qua, khoảng 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất trị giá hơn 10.000 tỷ đồng mở rộng hàng nghìn công trình. Trong đó, quận 12 là một trong số địa phương có tổng giá trị hiến đất mở hẻm cao nhất thành phố với khoảng 285.000 m2, tổng trị giá 1.800 tỷ đồng.

Theo ông Đậu An Phúc, Phó chủ tịch UBND quận 12, khi thực hiện mở rộng đường, trước đây có một số hộ dân không ngần ngại hiến đất có giá trị rất cao. Như tại đường An Phú Đông 09, có hộ đã hiến khoản đất mặt tiền rộng hàng chục mét, chiều sâu 3 m trị giá hơn 6 tỷ đồng để mở đường. Theo ông Phúc, để vận động người dân đóng góp đất đai ban đầu rất khó nhưng khi quận phân tích những mặt lợi của việc này thì họ đã chấp thuận.

Cùng với hiến đất, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở quận này còn đóng góp tiền để cùng chính quyền nâng cấp đường. Trong cuối năm 2023, các hộ dân quận 12 đã đóng góp 50% trong tổng số kinh phí 12 tỷ đồng để sửa 5 tuyến đường.