Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, quận 3, tái hiện lại cảnh tra tấn, biệt giam ở chuồng cọp trong nhà tù Côn Đảo và một số trại giam khác.

Khu trưng bày chuyên đề về “Chế độ lao tù” trong bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, đường Võ Văn Tần, tái hiện lại một phần trong nhà tù Côn Đảo, nơi từng được coi là địa ngục trần gian. Chuồng cọp được bao quanh bởi tường đá cao gần 4 m với rào kẽm gai và gác vọng bên trên.

Nhà tù Côn Đảo được Pháp xây dựng năm 1862 để giam giữ những tù phạm được cho là nguy hiểm với chế độ thực dân. Tính đến năm 1975, nơi này từng giam giữ 200.000 tù nhân và khoảng 20.000 người đã chết ở đây. Nơi nổi tiếng nhất trong nhà tù là chuồng cọp, nơi biệt giam, tra tấn những tù nhân chính trị cao cấp.

Cạnh đó là nhiều hình ảnh, hiện vật của các nhà tù khác trong chiến tranh ở Việt Nam được trưng bày trong khu nhà dựng bằng các thùng contianer, được bảo tàng xây dựng hai năm trước.

Trong khu trưng bày là căn nhà cao khoảng 7 m, hai tầng trệt và lầu, mô phỏng khu biệt giam các tù nhân, được phục dựng lại theo lối kiến trúc của nhà tù Côn Đảo.

Cấu trúc bên ngoài một phòng biệt giam trong khu chuồng cọp. Các phòng đều xây dựng cao, cửa sắt kiên cố, thiếu ánh sáng. Cầu thang lên tầng trên dành cho cai ngục đi lên quan sát tù nhân từ các phòng và thực hiện hành vi tra tấn từ trên xuống.


Bấm để lật ảnh sau/trước

Bên trong một chuồng cọp ở Côn Đảo, tù nhân bị cùm chân, sống trong phòng rộng chưa đến 5 m2, phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn để hỏi cung. Nơi giam hãm luôn tối tăm, cánh cửa sắt chỉ có một khe nhỏ để cai ngục nhìn vào.

Ở tầng trên của chuồng cọp là nơi cai ngục theo dõi. Từ các song sắt, cai ngục sẽ hành hạ người tù bằng cách ném vôi bột, nước bẩn xuống.


Bấm để lật ảnh sau/trước

Phòng tắm nắng còn được gọi là chuồng cọp lộ thiên, được xây dựng từ thời Pháp, bao gồm 60 phòng chia làm 4 dãy, với diện tích gần 2.000 m2. Phòng không có mái che, là nơi tù nhân bị giam cầm ngoài trời dưới cái nắng gay gắt, mưa dầm hoặc sương lạnh về đêm. Một số phòng tắm nắng còn là nơi chứa các thùng phân, làm nơi tra tấn tù nhân theo kiểu đánh hội đồng.

Một kiểu chuồng cọp khác làm bằng kẽm gai. Tù nhân sẽ bị lột quần áo nhốt vào đây và bị bỏ đói nhiều ngày. Mỗi ngăn chuồng cọp chứa từ 2 đến 7 người tùy kích cỡ, người bị nhốt chỉ có thể nằm nghiêng sát vào nhau, hầu như không thể vận động.

Những chiếc vỉ sắt dùng để lót đường băng sân bay được cai ngục biến thành công cụ tra tấn. Tù nhân cởi quần áo rồi cắm đầu lộn xuống vỉ sắt nhiều lần, gây ra những vết thương trầm trọng trên cơ thể.

Một phòng khác trưng bày chiếc máy chém có từ thời Pháp. Máy chém cao 4,5 m, lưỡi dao nặng 50 kg, được Pháp mang sang Việt Nam đầu thế kỷ 20 để đàn áp phong trào cách mạng.

Các loại vũ khí dùng để tra tấn tù nhân của cai ngục như dùi cui, búa, roi mây.

Chiếc cùm để khoá chân người tù vào cây sắt cố định trong trại giam, phía dưới là chiếc còng số 8 răng cưa.

Cạnh chuồng cọp là khu triển lãm về nhà tù trong thùng container rộng khoảng 70 m2, trưng bày hình ảnh, hiện vật về các nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam như Chí Hoà (TP HCM), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Lợi (Bình Dương).

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được thành lập năm 1975, chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày chứng tích tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, hiện lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh.

Bảo tàng từng được Stasher, ứng dụng trông hành lý giúp du khách có đối tác tại 250 thành phố trên thế giới, xếp thứ 61 trong danh sách 99 điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới. Bảo tàng mở cửa từ 7h30 đến 17h30 mỗi ngày, không nghỉ trưa, giá vé 40.000 đồng một người.