Nam sinh quê Bắc Giang đăng ký nguyện vọng duy nhất vào Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không thực hiện đủ các bước, có thể trượt.

Thí sinh này trú ở huyện Lục Nam, đạt 26,1 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nam sinh cũng đạt 74,04/100 điểm ở bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội hồi tháng 6, thuộc top 6% thí sinh có điểm thi cao nhất.

Với kết quả này, nam sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo dự báo của trường, điểm chuẩn ngành này xét theo điểm thi đánh giá tư duy ở mức 65-68. Còn theo phương thức xét điểm tốt nghiệp, trường dự báo lấy 26-27,5.

Tự tin có thể trúng tuyển, nam sinh không đăng ký thêm nguyện vọng nào khác.

Ngày 31/7, một ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh, thí sinh này mới phát hiện chưa nhập mã xác thực (OTP) để xác nhận đăng ký. Do đó, nam sinh chưa đăng ký nguyện vọng thành công.

Nam sinh liên hệ ngay với Ban tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không thể xử lý. Sau khi được hướng dẫn, nam sinh gửi đơn lên Bộ Giáo dục và Đào tạo mong được xem xét, hỗ trợ.

Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều 4/8 cho biết đã nhận được đơn của nam sinh. Ngoài em này, vài chục thí sinh cũng mắc phải các sai sót khác. Vụ cho hay sẽ xem xét giải quyết.

Trước đó, Vụ Giáo dục đại học đã nhiều lần lưu ý thí sinh cẩn trọng khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời khuyên các em nên đăng ký một số nguyện vọng phòng trường hợp rủi ro, hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp.

Năm nay, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 10/7 đến 30/7. Hơn 660.000 thí sinh đã đăng ký với tổng số hơn 3,4 triệu nguyện vọng.

Kỳ xét tuyển đại học hàng năm vẫn ghi nhận một số thí sinh mắc sai sót cá nhân. Như năm 2020, có thí sinh thừa điểm trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng vẫn trượt do không đọc kỹ quy định của khối trường quân đội khi đăng ký. Hay năm 2022, nhiều thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển nên trượt đại học.