Ba đoàn có chung bảng hiệu Sài Gòn này là những ký ức rất đẹp của thời cải lương tập thể. Và số phận của chúng ra sao sau khi đã lên tới đỉnh cao nghệ thuật?

Những đơn vị này đã làm nên một giai đoạn tuyệt đẹp cho cải lương, dẫu bây giờ những bảng hiệu đó đã lui vào dĩ vãng nhưng trong ký ức khán giả vẫn còn dấu ấn khó phai mờ.

Trước 1975, cải lương, kịch nói, phim ảnh đều hoạt động với sự điều hành của các ông bà bầu tư nhân. Rất nhiều gánh hát lừng lẫy như Huỳnh Kỳ, Thanh Minh – Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng, Tân Thủ Đô – Tấn Tài, Thành Được – Út Bạch Lan, Thống Nhất – Út Trà Ôn, Việt Nam – Minh Vương, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Minh Tơ, Huỳnh Long… Chính những nơi này đã làm nên nhiều ngôi sao sáng chói mà bây giờ được mệnh danh là “thế hệ vàng” như Út Trà Ôn, Phùng Há, Năm Châu, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Thanh Nga, Thanh Sang, Tấn Tài, Minh Cảnh, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Minh Vương, Minh Phụng, Ngọc Hương, Ngọc Bích, Thanh Tuấn, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Diệu Hiền, Diệp Lang, Hùng Minh, Hoàng Giang, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Phương Quang, Thanh Tòng, Thanh Thanh Hoa, Đức Lợi, Bạch Mai, Thanh Thế, Bửu Truyện, Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến…

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Mô hình mới, kỳ tích mới - Ảnh 1.

NSƯT Hùng Minh và NSƯT Thanh Nguyệt trong vở Bóng tối và ánh sáng

H.K

Sau 1975, đất nước thống nhất, xã hội bước vào một giai đoạn mới, hoạt động cải lương cũng có nhiều thay đổi. Các đoàn tư nhân không hoạt động như trước nữa, đành xếp bảng hiệu, xếp xác gánh lại, ngồi chờ thời. NSND Lệ Thủy tâm sự: “Lúc đó nghệ sĩ chúng tôi rầu lắm, vì không biết nhà nước cho hát hò như thế nào. Không cho hát chắc chết đói, chứ ngoài nghề ca hát chúng tôi đâu biết làm thứ gì”. Nghệ sĩ và ông bà bầu đành lấy tiền dành dụm ra xài cầm cự, chỉ khổ cho những nghệ sĩ không nổi tiếng và nghèo, không có tiền dành dụm nên xoay xở rất khó khăn. NSND Diệp Lang kể: “Tôi và một nhóm anh em nghệ sĩ trước 1975 bị bắt quân dịch, chỉ lén ra hát chui vào cuối tuần, nên dù được giải Thanh Tâm, đã nổi tiếng rồi đó, nhưng tiền cũng không bao nhiêu, phần gửi cho gia đình, phần lo lót cho chỗ đang đóng quân, cũng hết sạch. Chỉ mừng là chúng tôi được giải ngũ, cứ trở về cuộc sống bình thường rồi tính sau”.

Tình hình buồn bã đó kéo dài mấy tháng, mà nghệ sĩ Sài Gòn đã cảm giác “dài dữ lắm”, bởi trước kia sân khấu hoạt động tưng bừng hằng tuần, cứ tới đêm thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật là gần 40 cái rạp trong nội thành sáng đèn rực rỡ, loa loa bán vé rộn ràng, chưa kể các đoàn còn đi tỉnh suốt. Khán giả cũng nhớ cải lương “như điên”, vì cái máu Sài Gòn đã quen thưởng thức văn nghệ, quen tung tẩy cuối tuần, mà cải lương là món yêu thích nhất. Cải lương im hơi lặng tiếng thực sự là một tình trạng “vô cùng khó chịu”!

Tới đầu năm 1976, ông Năm Triều (Huỳnh Kim Thạch) đang là Trưởng ty Văn hóa (tương đương Giám đốc Sở VH-TT bây giờ) cùng với ông Tư Trương (Trương Bỉnh Tòng – sau này là Phó giám đốc Sở VH-TT), ông Sáu Chiến (Rum Bảo Việt, cán bộ Sở) ngồi bàn với nhau: “Phải cho hát hò lại thôi. Nghệ sĩ đông quá trời, ngồi không buồn lắm. Bây giờ tập hợp lực lượng, hát chỉ lấy tiền xăng”. Nhất trí xong, ban hành văn bản làm ngay. Nghệ sĩ được mời lên Sở, nghe được chủ trương, mừng thôi là mừng. Kệ, tiền nong tính sau, cả nước đang khó khăn, được hát đã là may mắn. Nghệ sĩ Hoàng Giang có kể: “Chúng tôi là những con tằm, phải được nhả tơ thì mới sống nổi. Thà nhả tơ xong mà chết ngay trên sân khấu cũng được. Chứ ngồi không, ngưng nghề, chính là chết dần chết mòn. Nghe nói được đi hát trở lại chúng tôi như hồi sinh”. Đó là cơ duyên đưa đến việc thành lập đoàn cải lương tập thể đầu tiên, và cũng là hình thành mô hình đoàn cải lương tập thể cho cả TP.HCM.

Phải nói thêm một chút về mô hình “đoàn cải lương tập thể”. Lúc đó, chỉ có đoàn Văn Công từ chiến khu ra là đoàn cải lương quốc doanh duy nhất, nghệ sĩ, nhân viên có biên chế lương, nhưng mới khởi động làm quen với môi trường mới, môi trường của khán giả Sài Gòn. Còn các đoàn tư nhân đã rã gánh, có người đi vượt biên, có người treo gánh chờ lệnh nhà nước. Giờ thành lập đoàn tập thể thì làm thế nào? Hình thức chính vẫn là tự thu tự chi. Nhưng nếu trước kia ông bà bầu phải ký hợp đồng với nghệ sĩ với giá cao ngất ngưởng (có khi lên tới cả chục, cả trăm cây vàng), rồi phải phát lương tháng, lại còn phát cát sê mỗi đêm diễn, còn lo cơm hội (nấu cơm miễn phí ngày 3 bữa cho tất cả thành viên), thì đoàn tập thể chỉ còn nhiệm vụ lo cơm hội và phát cát sê mỗi suất, xem ra nhẹ bớt gánh nặng. Trưởng đoàn thì do Ty Văn hóa (sau đổi thành Sở VH-TT) đưa cán bộ về, ông bà bầu giữ chức phó đoàn. Mọi hoạt động đều được quản lý, từ khâu kịch bản, tập tuồng, thu chi… Doanh thu thì nộp lên Sở, rồi Sở sẽ chi lại cho đoàn hoạt động, y như kiểu chi ngân sách. Nghệ sĩ thì chia cấp A, B, C để lãnh cát sê. Cho nên dùng hai chữ “tập thể” là ý nói do tập thể quản lý, không phải quốc doanh cũng không phải tư nhân.

Với mô hình mới này, cải lương tiếp tục làm nên những kỳ tích, những vở diễn tuyệt vời!

Ông Năm Triều – Trưởng ty Văn hóa TP.HCM và nhóm ông Tư Trương, Sáu Chiến có công đề xướng thành lập đoàn hát này, nhưng ban đầu không đặt tên, chỉ tập hợp anh em nghệ sĩ lại rồi dựng tuồng hát.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 1 - Ảnh 1.

NSND Diệp Lang và NSND Bạch Tuyết vở Đời cô Lựu

H.K

Vở đầu tiên là Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang, đã viết và dựng trước năm 1975, có nội dung đả phá chế độ phong kiến; và ông Trần Hữu Trang đi theo cách mạng, nên khi đó dựng lại cũng rất phù hợp. Dàn nghệ sĩ gồm Phùng Há vai cô Lựu, Út Trà Ôn vai Võ Minh Thành, Hoàng Giang vai Hội đồng Thăng, Thanh Nga vai Kim Anh, Nam Hùng vai chồng Kim Anh, Hoàng Ấn vai Võ Minh Luân, Ba Vân vai ông hàng xóm nuôi dưỡng Minh Luân, Trường Xuân vai thợ bạc… Đến năm 1984, khán giả được xem bản thu hình phát sóng rộng rãi trên HTV thì đã thay ê kíp mới gồm: Bạch Tuyết (cô Lựu), Thanh Sang (Võ Minh Thành), Diệp Lang (Hội đồng Thăng), Lệ Thủy (Kim Anh), Thanh Tòng (chồng Kim Anh), Minh Vương (Võ Minh Luân), Ngọc Giàu (bà Hai Hương và cô Bảy cán vá), Bảo Quốc (thợ bạc)… Vở với ê kíp mới này cũng làm khán giả mê mẩn.

Đời cô Lựu vừa công diễn, khán giả đông không tưởng tượng. Diễn liên tiếp mấy suất mà vẫn chưa biết gọi đây là đoàn gì. Ông Năm Triều nói: “Phải đặt tên cho đoàn thôi. Hay mình gọi nó là Sài Gòn 1?”. Mọi người nhất trí. Thế là trương bảng hiệu Đoàn cải lương tập thể Sài Gòn 1. Hai chữ “tập thể” ban đầu hết sức lạ, nhưng nghe vài lần cũng… quen quen. Bởi với cách mạng thì tập thể vô cùng quan trọng, cái gì cũng có thể là tập thể, của tập thể, nghe rất dễ chịu, rất chia sẻ, hòa đồng. Mà thật sự như vậy, ông Nguyễn Văn Giỏi, Trưởng ban phụ trách tiền đài – hậu đài – ngoại vụ cho Sài Gòn 1, nói: “Thời đó cực khổ thiệt, nhưng vui lắm, vì không ai toan tính, so đo. Tất nhiên cũng có tâm tư chút chút, vì đã là con người thì làm sao tránh khỏi tâm tư, nhưng nó không quan trọng bằng cái không khí làm việc mới trong một xã hội mới, ai cũng thấy hào hứng, say mê. Nghệ sĩ lãnh lương rất thấp, có thể nói thấp hơn cả trăm lần so với thời “bầu bì” ký công-tra vài chục cây vàng với họ, nhưng lạ là họ vẫn yêu nghề, làm nghề nghiêm túc. Họ chia nhau vai diễn không câu nệ chánh phụ, san sẻ từng cây son, hộp phấn, trang phục… Thời đó bắt đầu đi vào bao cấp, vật chất thiếu thốn, nên sự chia sẻ đó càng thêm quý, chứng tỏ cái tình đồng nghiệp, tình sân khấu”.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 1 - Ảnh 2.

NSƯT Thanh Kim Huệ và NSND Thanh Điền trong vở Ngao Sò Ốc Hến

H.K

Vở Đời cô Lựu diễn chỉ gần chục suất thì doanh thu dồn lại đủ để thành lập một đoàn mới. Đó cũng là ý kiến độc đáo của nhóm ông Năm Triều. Cuối năm 1976, đoàn Sài Gòn 2 khai trương với vở Lỡ bước sang ngang của soạn giả Thu An. Ở đây xin đặc biệt nói về phương thức hoạt động của mô hình cải lương tập thể TP.HCM thành lập hồi ấy. Không được cấp ngân sách, cũng không ai bỏ vốn ra như tư nhân, mọi người dùng cách tự lấy nó nuôi nó. Lấy doanh thu của Sài Gòn 1 để thành lập Sài Gòn 2. Sau đó lấy doanh thu của Sài Gòn 2 để cho Sài Gòn 1 dựng tuồng mới. Rồi doanh thu của tuồng mới này sẽ chi lại cho Sài Gòn 2 dựng tuồng mới khác. Đồng thời, dành dụm doanh thu của Sài Gòn 2 để thành lập Sài Gòn 3. Cả ba đoàn này loanh quanh nuôi nhau, chi viện cho nhau, mà người điều động vốn liếng tập trung vào một đầu mối là Sở VH-TT. Còn lực lượng nghệ sĩ cũng được Sở điều động đến các đoàn chứ không nhất thiết ở một chỗ. Mà Sở đã điều động thì không ai dám “cãi”. Ngược lại, ai cũng chấp hành vui vẻ, vì đoàn nào cũng gặp bạn bè quen, cũng từng diễn chung với nhau rồi.

Sài Gòn 1 tiếp tục hoạt động khi đã có Sài Gòn 2. Những vở nổi tiếng như Bình Tây đại nguyên soái, Sân khấu về khuya, Ngao Sò Ốc Hến (soạn giả Năm Châu), Người ven đô (soạn giả Minh Khoa)… ra đời thời điểm đó. Thành phần nghệ sĩ có thêm Mỹ Châu, Phượng Liên, Thành Được, Thanh Thanh Hoa… được mời về. Một chi tiết nhỏ, đầu năm 1976, bà bầu Thơ đã khôi phục bảng hiệu Thanh Minh – Thanh Nga với tuồng Tấm lòng của biển, Bên cầu dệt lụa rất ăn khách, nhưng khi Sài Gòn 1 thành lập, Sở VH-TT vẫn mời nghệ sĩ Thanh Nga tham gia. Đến năm 1977, Thanh Nga mới rời hẳn Sài Gòn 1 trở lại đoàn nhà mình để đóng vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh.

Không thể không nhắc đến dấu ấn của Người ven đô với vai diễn xuất sắc của NSND Ba Vân trong vai ông Tám Khỏe. Một vở diễn đậm chất cách mạng, thật sự rất khác với gu thưởng thức trước kia của khán giả Sài Gòn, nhưng vẫn chinh phục được trái tim người xem.

Giống như Sài Gòn 1, đoàn Sài Gòn 2 cũng dựng tuồng cũ quen thuộc với khán giả, sau đó mới mạnh dạn dựng tuồng mới. Cho nên vở cải lương khai trương cho Sài Gòn 2 là Lỡ bước sang ngang của soạn giả Hoàng Khâm viết chung với Thu An. Thật ra đây là tuồng của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga đã diễn hồi năm 1960, nay Sài Gòn 2 dựng lại với thành phần nghệ sĩ thay đổi, như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Văn Chung, Diệp Lang, Thanh Điền, Tư Rọm, Tô Kiều Lan, Thoại Miêu, Tài Lương… Khán giả mua vé cũng nườm nượp y như hồi Sài Gòn 1 ra đời.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 2  - Ảnh 1.

NSND Giang Châu trong vai Thừa, vở Tiếng hò sông Hậu

TƯ LIỆU

Thừa thắng xông lên, Sài Gòn 2 dựng liên tiếp các vở Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa… Lúc này lực lượng nghệ sĩ tăng cường càng mạnh hơn, với Mỹ Châu, Hồng Nga, Phương Quang, Giang Châu, Ngọc Bích, Tuấn Thanh… Khán giả từng mê mệt Mỹ Châu trong vai cô Hiếu, một nhà tình báo cách mạng trà trộn vào hàng ngũ giặc dưới vỏ bọc vũ nữ, chịu nhiều tai tiếng, bị xóm làng khinh rẻ. Mỹ Châu đẹp hút hồn và nét trầm trầm bí ẩn của chị rất phù hợp với nhân vật tình báo. Khách sạn hào hoa là vở “trinh thám” hiếm hoi của làng cải lương, hội tụ đầy đủ yếu tố hấp dẫn, hồi hộp, nhưng cũng không thiếu tính trữ tình, hài hước. Cần nói thêm về soạn giả Trần Hà, ông vốn người Sóc Trăng, theo kháng chiến chống Pháp, công tác trong ngành công an, rồi được chuyển sang công tác binh vận, chọn nghề cầm bút làm vỏ bọc. Nhưng không ngờ ông có tài năng, viết nhiều vở cho đoàn Kim Chung, Kim Chưởng, Thủ Đô, Dạ Lý Hương… mà nổi tiếng nhất chính là Bóng hồng sa mạc với giọng ca Tấn Tài bất hủ. Sau 1975, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sân khấu TP.HCM và làm cán bộ

Sở VH-TT TP.HCM từ 1976 – 1993, vì uy tín nên ông được giữ lại đến 1997 mới chính thức về hưu.

Vở Tìm lại cuộc đời cũng là một dấu son của Sài Gòn 2, đưa nghệ sĩ Thanh Tuấn và Ngọc Bích, Giang Châu lên đỉnh cao mới trong lòng khán giả. Thanh Tuấn trong vai đại úy Huy Bình đẹp trai, cao lớn, phong độ, ca hay xuất thần, nhấn nhá câu nào cũng rụng tim người nghe. Còn Giang Châu thì có kiểu ca nhấn nhá khác, cực kỳ độc đáo trong vai Hùng, thương phế binh hận đời. Ngọc Bích quả là một viên ngọc của cải lương, vai Hương của bà đẹp u buồn man mác, như một nỗi ám ảnh của số phận.

Giang Châu và Ngọc Bích lại tiếp tục tỏa sáng với Tiếng hò sông Hậu. Đặc biệt Giang Châu vai anh nông dân tên Thừa người Khmer lúc nào cũng mang tính phản kháng, luôn đối đầu với ông Hội đồng Dư, và câu nói của anh Thừa đã đi vào dân gian: “Xộ cái quá mạng!”. Khán giả cười rần rần, còn Giang Châu trở thành một nghệ sĩ hài bất ngờ. Chất hài này tiếp tục được khai thác khi sau này Giang Châu được điều quay về đoàn Sài Gòn 1 đóng vai Trùm Sò trong vở Ngao Sò Ốc Hến. Phiên bản trước có Thành Được, Phượng Liên, Bảo Quốc…nhưng phiên bản sau có Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Nam Hùng, Tô Kim Hồng… thì Giang Châu đã thêm một vai để đời xuất sắc.

Trong Tiếng hò sông Hậu, Diệp Lang cũng có một vai hay là Hội đồng Dư, cộng với vai Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu) khiến ông “chết danh” là ông Hội đồng, đi đâu bà con cũng kêu “ông Hội đồng”. Còn Hồng Nga vai bà Tư Hậu mù lòa, nhớ chồng nhớ con, đã làm khán giả khóc như mưa. Những câu vọng cổ “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…Buôn bán không lời mà chèo chống mỏi mê…” đã đi vào ký ức khán giả, gợi hình ảnh miền sông nước đẹp não nùng. Đây là một trong những vai bi xuất sắc của Hồng Nga, trong khi bà vẫn nổi tiếng là “nữ quái” diễn hài.

“Hạnh phúc nhất là chúng tôi đã làm được những vở tuồng hay. Hình như đó cũng là giai đoạn mà tuổi đời, tuổi nghề của thế hệ chúng tôi đều chín muồi, sung sức nhất.”

NSND Diệp Lang

Sài Gòn 2 ghi nhận công lao rất lớn của nghệ sĩ Diệp Lang. Ông được giao làm phó đoàn phụ trách nghệ thuật, ban ngày tổ chức tập tuồng, ban đêm lại thức để biên tập kịch bản. Ông quá say nghề, cứ làm việc không kể giờ giấc, sức khỏe, đến nỗi hai mắt lòa đi, tưởng sắp mù. Bà Thu Phong vợ ông khi ấy vừa một nách nuôi con, vừa sát cánh bên chồng phụ đánh máy, góp ý (bà vốn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn), không than van một tiếng. Nhờ vậy ông đã làm nên hàng loạt vở diễn hay cho đoàn và có được hàng loạt vai diễn để đời cho bản thân mình. Chỉ khi bệnh tình nặng quá thì ông mới xin thôi công tác quản lý mà chuyên tâm vào nghệ thuật biểu diễn.

Phải nói thêm là thời đó lương diễn hằng đêm rất ít, nên dù vé bán nhiều thì cũng nộp doanh thu về Sở, nghệ sĩ phải tự xoay xở cho gia đình. Nhiều trưởng phó đoàn như Diệp Lang, Thanh Điền phải nghĩ ra cách hỗ trợ nghệ sĩ bằng cách cho mấy cặp vé để anh em bán ra chợ đen, kiếm thêm thu nhập. Diệp Lang nói: “Chứ ăn bo bo làm sao hát nổi. Rồi còn con cái nữa. Chưa kể cái nghề chúng tôi cần son phấn, quần áo, tốn kém lắm. Thôi thì mình giúp anh em được bao nhiêu hay bấy nhiêu trong khả năng của mình, xem ra cũng không phạm pháp gì. Hạnh phúc nhất là chúng tôi đã làm được những vở tuồng hay. Hình như đó cũng là giai đoạn mà tuổi đời, tuổi nghề của thế hệ chúng tôi đều chín muồi, sung sức nhất”. Và dù trong cảnh nghèo Diệp Lang vẫn sống tử tế khiến anh em thương quý mãi.

Sở VH-TT TP.HCM đã liên tiếp gặt hái thành công khi xây dựng một loạt đoàn cải lương tập thể tập hợp được một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu và làm nên những tác phẩm để đời.

Sài Gòn 3 ra đời khoảng năm 1977, là lúc ông Năm Triều đã về Ban Ái Hữu nghệ sĩ tại 133 Cô Bắc, và ông Sáu Thảo (Dương Đình Thảo) lên nhậm chức Giám đốc Sở VH-TT. Ông Sáu Thảo cực kỳ yêu cải lương, nên trong nhiệm kỳ của ông cải lương được quan tâm rất tốt. Sài Gòn 3 đầu tiên có kép đẹp Dũng Thanh Lâm, nhưng chưa kịp tập tuồng thì anh sang Pháp định cư. Mọi thứ chưa đi vào guồng được, ông Tư Hiếu trưởng đoàn bèn tới nhà nghệ sĩ Thanh Điền mời anh.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 3  - Ảnh 1.

NSND Thanh Điền từng là phó đoàn Sài Gòn 3

NSND Thanh Điền kể: “Ổng dụ tôi, “Nghe nói Thanh Điền chịu chơi lắm hả? Về Sài Gòn 3 thử coi!”. Lúc đó tôi mới hơn 30 tuổi còn sung lắm, và trước 1975 đã từng làm bầu gánh Xuân Liên Hoa, kiêm luôn dựng tuồng, và chuyên tìm diễn viên trẻ đưa lên như Dũng Thanh Lâm, Giang Châu, Minh Tâm, Tài Lương, Trương Hoàng Long, hề Vũ Đức, Vũ Quang… Sau năm 1975 tôi tham gia Sài Gòn 2 vở Lỡ bước sang ngang, còn nóng hổi đó, thì bây giờ ổng muốn tôi về đoàn mới. Ừ thì về. Tôi về làm phó đoàn và tham gia đạo diễn luôn, nhưng hồi đó mình không có bằng cấp nên mình không được đứng tên. Chẳng sao. Miễn sân khấu thành công là ai cũng vui”.

Đoàn có thêm nghệ sĩ Lệ Thủy, Đức Minh, Đức Lợi, Thanh Việt, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Tài Lương… Vở Mái tóc người vợ trẻ ăn khách tưng bừng khiến uy tín nghệ sĩ Thanh Điền lên vùn vụt. Sau đó ông dựng tiếp vở Một cuộc giải phẫu là vở có nội dung cách mạng rất đậm. Thanh Điền đóng luôn vai chính, bác sĩ Nhân, có hai đứa con, một theo cách mạng, giấu cán bộ bị thương trong nhà (Tài Lương đóng), một lại là sĩ quan VN cộng hòa đang lùng sục người cán bộ đó (Đức Lợi đóng). Bệnh nhân cần được mổ gấp, bác sĩ Nhân bị đặt vào tình thế phân vân, mổ hay không mổ. Sau những đấu tranh nội tâm, thì trái tim bác sĩ đã thắng, cứu người trước đã. Vở tuồng gây tiếng vang đến nỗi được ra Hà Nội diễn cho Bộ Chính trị xem.

Nghệ sĩ Thanh Điền tự nhận mình có máu phiêu lưu, nên sau đó ông dựng tiếp vở Chắp cánh chim bằng nói về Phạm Ngũ Lão. Vấn đề ở đây là Thanh Điền cho Phạm Ngũ Lão “bay” như xiếc, khiến dư luận “cãi nhau” một trận. Cãi bởi đây là vở lịch sử có vẻ rất nghiêm túc, nhưng ông dựng cứ như kiếm hiệp, có đánh kiếm, đu bay hấp dẫn. Phạm Ngũ Lão thật ra cũng là người võ nghệ cao cường, văn võ toàn tài, mới được Đức Ông Trần Hưng Đạo đem về dưới trướng, trở thành Điện súy Thượng tướng quân, tham gia đánh giặc Nguyên Mông, thì chuyện đánh kiếm, đu bay cũng hợp lý thôi. Vở sử mà có thêm chút màu sắc phiêu lưu như vậy hấp dẫn hơn, không có gì đáng ngại.

Cãi thì cãi, chỉ biết rằng khán giả mua vé rần rần. Nghệ sĩ Thanh Điền nói: “Các đoàn khác bán vé 3 đồng, tôi bán 6 đồng, mà rạp luôn kín khách, còn chợ đen thì bán tới 20 đồng. Nghệ sĩ Đình Quang nổi tiếng ngoài Bắc, là thầy của nhiều nghệ sĩ, nghe tiếng đồn bèn vô tận Sài Gòn coi. Ông mới xuống xe, dân chợ đen đã bu quanh mời mua vé. Ông cười vui quá chừng, nói thú vị vì không khí cải lương như thế”. Thanh Điền chỉ dựng Chắp cánh chim bằng trong 11 ngày, và sau thành công này đạo diễn Đoàn Bá đề bạt Thanh Điền được đứng tên đạo diễn luôn.

Nghệ sĩ Thanh Điền tiếp tục dựng Công chúa Alysa do Thanh Kim Huệ viết kịch bản, và tạo cơ hội cho Bảo Chung tỏa sáng, từ đó tiến xa trên đường diễn hài, được gọi là “danh hài”. Vì vậy, đi đâu Bảo Chung cũng gọi ông là sư phụ một cách trân trọng. Thanh Điền nổi tiếng “mát tay” đưa nghệ sĩ trẻ lên là vậy đó. Ông nói: “Mình làm lãnh đạo thì nên có con mắt xanh nhìn người, ráng chăm chút cho lớp trẻ. Đừng có sợ họ “qua mặt” mình, nổi tiếng hơn mình. Càng có thêm tài năng thì càng mừng cho cải lương chứ sao lại sợ!”.

Sau những sự kiện này, nghệ sĩ Thanh Điền được điều động trở lại Sài Gòn 1 để hỗ trợ. Và ông lại làm một cuộc phiêu lưu mới còn đình đám hơn nữa, chúng ta sẽ nhắc sau. Chỉ biết là Sài Gòn 3 giao lại cho nghệ sĩ Dũng Thanh.

Tiếc rằng khi Dũng Thanh lãnh đạo đoàn thì không khí biểu diễn có phần trầm lặng, ít thấy vở nào đình đám như trước nữa, ngược lại còn thêm một sự cố bị báo chí đăng tải. Đó là việc ông trưởng đoàn Sài Gòn 3 dính dáng tới đàn em của ông trùm giang hồ Năm Cam, gây tai tiếng cho nghệ sĩ. Trụ sở đoàn đặt tại đường Trần Hưng Đạo biến thành quán Hát với nhau nhưng cũng không hiệu quả gì mấy. Năm 2000 đoàn này chính thức tan rã.

Từ Sài Gòn 3, nghệ sĩ Thanh Điền được điều động trở lại Sài Gòn 1, và ông đã tạo ra “sự kiện” Ngao Sò Ốc Hến. Gọi là “sự kiện” bởi Thanh Điền lại “nổi máu” phiêu lưu lần nữa. Ông cùng ê kíp mới là Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Hoàng Ấn, Trường Xuân… đã diễn một phiên bản mới đầy tính hài hước và hấp dẫn. Nguyên do là phiên bản cũ diễn mà khán giả không cười, vé mua lưa thưa, cả nhóm rầu rĩ ngồi suốt đêm với nhau, nhất định phải sửa. Khi sửa xong, khán giả mê quá xá, đêm nào cũng vỗ tay bể rạp, vé bán không kịp. Nhưng cứ tối diễn thì sáng hôm sau Thanh Điền bị mời họp kiểm điểm vì đã sửa mà không xin phép lãnh đạo. Họp thì họp, Thanh Điền vẫn họp, mà tối càng diễn sung hơn. Rốt cuộc thì mọi người phải chấp nhận rằng bản mới này quá hay, rồi đề bạt Thanh Điền làm trưởng đoàn luôn.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Số phận của đoàn Sài Gòn 1, 2, 3 - Ảnh 1.

Vở Tấm lòng của biển với NSND Út Bạch Lan (phải), NS Phượng Liên và NS Linh Châu

H.K

Ngao Sò Ốc Hến có kỷ niệm vui với ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Thanh Điền kể: “Chú Sáu thích hài lắm, nên khi nghe đồn Ngao Sò Ốc Hến “này nọ” thì chú đi coi. Coi xong, chú nói: “Ôi trời, có gì đâu, người ta phê phán chuyện xưa mà, ai biểu mấy người làm giống họ chi rồi nhột!”. Nói thiệt là tôi cũng có cập nhật mấy chuyện thời sự vô châm biếm luôn, nên người ta mới đồn như vậy. May mà tư tưởng chú Sáu rất thoáng nên chúng tôi làm nghệ thuật dễ dàng hơn”.

Sau khi làm trưởng đoàn, Thanh Điền sản xuất hàng loạt vở như Em ơi đừng khóc nữa, Yêu và ghen, Lỡ yêu rồi, Xin đừng nói yêu em, Hoa học trò… đa số kịch bản do nghệ sĩ Thanh Kim Huệ viết, tập trung chủ đề gia đình, hôn nhân.

Cũng trong giai đoạn này Thanh Điền lọt vào mắt xanh của những người làm kịch, làm phim. Thật ra ngay từ khi anh diễn cho Sài Gòn 3, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng đã đến xem (lúc này đoàn kịch Thẩm Thúy Hằng trở thành đoàn kịch tập thể Bông Hồng, và bà là phó đoàn). Bà nói: “Thanh Điền diễn cải lương có nét rất kịch, em về với chị nha. Khi đoàn chị kẹt diễn viên thì chị mượn em”. Nhưng Thẩm Thúy Hằng chưa kịp “mượn” Thanh Điền thì nghệ sĩ Kim Cương đã “mượn” trước cho vở Nhân danh công lý, diễn tại Nhà hát Hòa Bình, Thanh Điền đóng vai trung úy Cường. Diễn suốt một tháng rưỡi, mỗi ngày 2 suất đều đặn. Rồi Thanh Điền qua đoàn Bông Hồng diễn Đôi mắt. Sau đó ông đóng phim Tình yêu của em, rồi đóng Đất phương Nam… Từ đó Thanh Điền mải miết đi theo phim ảnh, đây cũng là giai đoạn cải lương cực kỳ khó khăn do sự ra đời của video và giấy phép Sài Gòn 1 trả về cho Sở VH-TT. Năm 1990, Sở đưa giấy phép cho ông Nguyễn Văn Giỏi làm bầu sô hoạt động. Năm 1996, ông Giỏi ngưng hẳn, lại trả giấy phép về cho Sở.

Sài Gòn 2, Sài Gòn 3 cũng chung số phận khi bị video phủ sóng. Sau 1986 mở cửa, nghệ sĩ được các ông bà bầu video và các đoàn cải lương tư nhân mời mọc với cát sê “khủng” trở lại, nên họ lần lượt rời các đoàn tập thể. Cũng không thể trách họ, vì từ 1975 – 1986 họ đã cống hiến rất vô tư, nhiệt tình, làm nên nhiều vở diễn hay cho lịch sử cải lương.

Điểm chung của Sài Gòn 1, 2, 3 là hầu hết các vở tuồng đều mang tính cách mạng rất cao, hoặc lên án chế độ phong kiến, hoặc đấu tranh không khoan nhượng với giặc và chinh phục được khán giả Sài Gòn. Có thể nói, nội dung vở nào cũng chỉn chu, chặt chẽ, tinh tế từng câu ca lời thoại, nghệ sĩ thì diễn rất giỏi, đến nỗi cán bộ cách mạng xem còn ngạc nhiên: “Cứ như các nghệ sĩ này từng tham gia cách mạng!”. Họ hóa thân giỏi, tìm hiểu tư liệu kỹ, biết thu thập vốn sống và quan trọng là hồi đó tập tuồng rất kỹ, một tuồng tập đến mấy tháng, chỗ nào lấn cấn thì mời mấy chú mấy bác cán bộ xuống tư vấn giùm. Nghệ sĩ Mỹ Châu từng nói: “Chúng tôi có biết cách mạng là gì đâu, giờ nhập vai thì phải tìm hiểu thật kỹ để không sơ suất. Làm nghề nào cũng phải có trách nhiệm với nghề. Mình không lên sân khấu thì thôi, đã lên thì phải chu đáo từng li từng tí”.

Giỏi nhất ở chỗ, dù nội dung cách mạng nhưng tác phẩm vẫn giữ được chất trữ tình đặc trưng của cải lương, chính đó mới là yếu tố quan trọng nhất đi vào lòng người, chinh phục trái tim khán giả, nhất là khán giả Sài Gòn – những người không dễ dàng mua vé nếu họ không thích, không mê.

Thật sự, các vở tuồng của Sài Gòn 2 đều tạo cơ hội cho nghệ sĩ có vai diễn để đời. Không chỉ vai chính, mà ngay cả vai phụ cũng thành công rực rỡ. Điều này chứng tỏ tài năng của thế hệ nghệ sĩ lúc đó, là họ không từ chối thử thách nào, dù bước vào một lĩnh vực mới mẻ thì họ cũng cố gắng chinh phục cho được, tận tâm, vô cùng trách nhiệm với nghề. Và những vở này cũng làm nhiệm vụ “quảng bá” rất tốt cho xã hội mới. Người ta háo hức tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu cách mạng thông qua những tác phẩm sân khấu. Sau 1975, người dân đã có đời sống văn hóa thực sự sôi động chính là nhờ cải lương.