“Sáng nào cô ấy cũng thay quần áo, lau người sạch sẽ rồi mặc đồ mới thơm tho. Như vậy tôi muốn nằm lì một chỗ cũng chẳng được, phải đứng dậy ngồi hoặc cố đi lại để tận hưởng ngày mới đầy vui tươi”, cụ ông Sài Gòn tâm sự.

Chuyện cụ ông 83 tuổi lấy vợ trẻ sống trong căn nhà vỏn vẹn vài mét vuông ở thành phố Thủ Đức đã không còn xa lạ đối với người dân trong vùng. Ai cũng ngưỡng mộ tình yêu của cặp đôi “đũa lệch”, đồng thời hy vọng cuộc sống của họ sẽ bớt cực khổ hơn.

Không ít người tò mò cuộc sống  cặp đôi hiện tại ra sao, sức khoẻ của cụ ông đã ổn định hay chưa – bởi thời điểm “nổi tiếng” mạng xã hội, cụ ông đang mắc trọng bệnh.

Mở đầu câu chuyện, cụ Thiệt (83 tuổi) – nhân vật chính trong chuyện tình trên hào hứng khoe: “Tôi già cả, có chút đãng trí và lãng tai nhưng vẫn minh mẫn hơn nhiều người cùng độ tuổi. Đặc biệt sức khoẻ của tôi hiện tốt hơn trước khá nhiều. Ví dụ xưa tôi đau ốm 100% thì giờ chỉ còn 40%. Tất cả nhờ công chăm sóc của cô ấy (tức người vợ trẻ). Tôi trân trọng và biết ơn lắm, thử hỏi ở cái tuổi “gần đất xa trời này” mấy ai kiếm được bạn đời như tri kỷ như vậy?”.

Chuyện cụ ông 83 tuổi lấy vợ trẻ sống trong căn nhà vỏn vẹn vài mét vuông ở thành phố Thủ Đức đã không còn xa lạ đối với bà con làng xóm.

Nghe chồng nói, cô Loan (56 tuổi) khiêm tốn cho biết, chồng khỏe mạnh một phần nhờ công chăm sóc của cô. Còn lại cụ khoẻ do tinh thần lạc quan, không nghĩ suy tiêu cực và cố gắng rèn luyện thân thể.

“Cô ấy nói vậy thôi, chứ thật sự do công lao chăm sóc của cô ấy cả. Tôi mà nằm một chỗ, không được động viên tinh thần thì làm sao suy nghĩ tích cực, chống chọi với bệnh già yếu cơ chứ. Ai hỏi tôi cô ấy chăm chồng ra sao, tôi đều trả lời rất đàng hoàng, ngon lành.

Sáng nào cô ấy cũng thay quần áo, lau người sạch sẽ rồi mặc đồ mới thơm tho. Như vậy tôi muốn nằm lì một chỗ cũng chẳng được, phải đứng dậy ngồi hoặc cố đi lại để tận hưởng ngày mới đầy vui tươi”, cụ ông Sài Gòn tâm sự.

Nhắc đến chuyện đợt này có đi làm đều đặn hay không, cô Loan cho biết do kinh tế suy thoái, các nhà hàng trong thành phố đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự khá nhiều. Vì thế cô không được thuê mướn nhiều như xưa. “Ngày trước tôi đi làm suốt, có tháng làm đủ 30 ngày nên tiền nong cũng dư giả. Còn giờ tôi chỉ làm chừng 70% so với trước hoặc ai kêu gì làm nấy.

Tôi cũng nói với ông ấy thu nhập giảm so kinh tế khó khăn, phải thắt lưng buộc bụng. Ông ấy đồng ý và ráng ăn uống tiết kiệm. Thậm chí ông còn bảo bản thân già cả, ăn uống không là bao nhưng tôi phải được tẩm bổ vì là lao động chính trong nhà”, cô Loan chia sẻ.

Ngày đi làm, cô Loan thường dành nguyên buổi sáng để vệ sinh cá nhân cho chồng, sau đó chuẩn bị cơm và thức ăn. Chiều cô bắt đầu đến các nhà hàng dọn dẹp vệ sinh cho đến tối muộn mới quay trở về nhà. Hôm nào ít việc, cô sẽ tranh thủ chạy về ngó xem chồng đã ăn hết tô cơm hay chưa rồi nghỉ ngơi vài phút lại đi làm.

Cặp đôi “đũa lệch” luôn yêu thương và chăm sóc nhau.

Tất bật là vậy nhưng chưa bao giờ người phụ nữ ngoài 50 không than vãn nửa lời. Cô cứ lầm lũi làm việc với hy vọng kiếm được vài đồng lương lo thuốc thang, cái ăn cái mặc cho người chồng 83 tuổi. Sự chăm chỉ, tận tâm ấy đã khiến người dân trong hẻm không khỏi nể phục và ngưỡng mộ.

Năm 2007, cụ Thiệt sinh sống bằng nghề chạy xe ôm ở đất Thủ Đức, còn cô Loan làm công nhân ở gần đó. Cả hai tình cờ quen nhau, trở thành bạn bè tri kỷ tâm sự chuyện đời, sẻ chia vui buồn cuộc sống.

“Một thời gian sau, ông ấy chủ động rủ tôi về sống chung. Tôi không dám vì ông còn 3 đứa con nữa, thậm chí con cả còn lớn tuổi hơn tôi.

Ông thuyết phục rằng các con đã lập gia đình, sống dưới Cà Mau, thi thoảng mới thăm nom. Tôi thương ông đã có tuổi lại côi cút một mình nên đồng ý về làm vợ của ông”, cô Loan nói.

Thế là hai mảnh đời ghép lại rất hoàn hảo, tạo lên bức tranh đầy nghĩa tình phu thê. Họ đã cùng nhau làm việc, vun đắp tổ ấm nhỏ để xóm giềng phải thấy ngưỡng mộ về cách sống, cách quan tâm chăm sóc.

Thời điểm cụ Thiệt ngã bệnh, nằm một chỗ không đi lại được có người hoài nghi cô Loan sẽ bỏ mặc chồng hoặc “trả” cho 3 người con phụng dưỡng. Song cô vẫn một mực ở bên chăm sóc, giúp người chồng lớn tuổi có cơ hội phục hồi sức khoẻ.