Hiện tại, anh Tùng đi bán vé số kiếm tiền qua ngày, còn chị Trinh ở nhà nội trợ và chăm sóc bé Hoài An.

Ở quận 12 (TP.HCM) có một cặp vợ chồng có hoàn cảnh rất đáng thương nhưng luôn thể hiện tinh thần lạc quan khiến bao người nể phục. Đó anh Tùng (SN 1973) và chị Trinh (SN 1975, quê Cà Mau), sống trên căn gác lửng rộng vỏn vẹn vài mét vuông, mưu sinh bằng nghề bán vé số kiếm ăn qua ngày.

Mở đầu câu chuyện, anh Tùng – người đàn ông vừa chạm đến tuổi 50 nhưng sở hữu vóc dáng khắc khổ, gương mặt “đặc biệt” thành thật cho biết: “Đây không phải nhà của vợ chồng tôi đâu. Chúng tôi đi ở nhờ nhà mẹ, chẳng biết được ở đây đến bao giờ nữa.

Bữa trước tôi nghe bà nói sẽ bán căn nhà này. Khi đó hai vợ chồng sẽ dắt díu đứa con đi lang thang hoặc thuê phòng trọ”.

Bé Hoài An mang gen của anh Tùng nên có khối u ở não.

Chồng vừa dứt lời, chị Trinh nói kế: “Tôi luôn ước ao có một ngôi nhà để vợ chồng, con cái nương náu. Nhà ở đâu cũng được, không nhất thiết phải ở Sài Gòn hoa lệ này. Song tôi chẳng biết đến bao giờ điều ước đó mới thành hiện thực vì chồng con bệnh tật còn chưa chữa trị được huống chi mua đất xây nhà”.

Chị Trinh vốn là người phụ nữ cứng tuổi, tình cờ quen anh Tùng thông qua cuộc gọi nhầm số. Cả hai bắt đầu chuyện trò, tâm sự về cuộc sống cũng như hoàn cảnh gia đình. Một ngày anh quyết định thổ lộ tình cảm, xin ngỏ ý được xuống Cà Mau gặp gỡ cha mẹ để hỏi cưới.

“Anh ấy có nói rõ bản thân bị u từ lúc 9 tuổi, càng lớn càng to dần và che mất nửa mặt. Tôi cũng hình dung được nhưng không nghĩ rằng nó to như vậy. Song tôi không vì thế mà bỏ, ngược lại rất yêu thương, muốn ở bên chăm sóc cả đời.

Bé Hoài An khi còn nhỏ.

Khi anh về bố mẹ tôi không ủng hộ, sợ con gái lấy chồng bệnh tật lại nghèo đói thì sẽ khổ. Tôi tính ngang bướng kiên quyết đòi lấy anh làm chồng. Vì thế bố mẹ đành phải chiều theo ý con gái, sướng khổ sau này tôi tự chịu”, chị Trinh nhớ lại.

Thế là một đám cưới giản dị đã diễn ra. Anh Tùng đưa cô, cậu, dượng xuống nhà chị Trinh xin rước dâu. Còn đàng gái làm 2 mâm cơm báo cáo tổ tiên và mời ruột thịt đến chung vui. Sau đó chị khăn gói lên Sài Gòn làm dâu.

Năm 2014, cặp đôi vỡ oà hạnh phúc khi chào đón con trai đầu lòng. Họ quyết định đặt tên là Hoài An với mong muốn con có một cuộc sống mãi bình an, yên bình, không lo âu, vất vả. Nhưng người tính không bằng số phận an bài, đứa trẻ càng lớn càng yếu ớt, xuất hiện nhiều căn bệnh trong người.

“Bác sĩ chẩn đoán thằng nhỏ mang gen của chồng tôi, tức sẽ mắc các bệnh liên quan đến gương mặt. Và thực tế nó bị bệnh nặng hơn bố: u não, hở van tim, một bên mắt không có. Nó ốm đau liên miên nên đâu có đi học, cứ kiểu lúc tỉnh lúc mơ vậy.

Ví dụ bây giờ nó khỏe mạnh, có thể nói chuyện với mọi người. Song khi nó ốm cứ mơ mơ màng màng. Tôi cũng tính cho nó đi phẫu thuật nhưng chưa có điều kiện”, chị Trinh bộc bạch.

Chị Trinh tự tay làm ngôi nhà mơ ước.

Về cục u trên khuôn mặt của anh Tùng hiện càng lan rộng. Đặc biệt đợt dịch COVI-19, một bên mắt đã mù loà dần. Khi ấy bác sĩ yêu cầu lên bệnh viện để thăm khám, phẫu thuật nhưng do không có người chăm sóc, lại chẳng ra đường đường nên anh đành vụt mất cơ hội giữa lại ánh sáng.

Nhắc đến chuyện có muốn được cắt bỏ khối u trên gương mặt, anh Tùng trầm ngâm: “Giờ tôi già, u lại lớn nên có làm hay không cũng vậy. Tôi và vợ chỉ ước có ai đó giúp bé Hoài An thay đổi gương mặt. Con còn nhỏ đã phải chịu bao thiệt thòi, tôi chẳng đành lòng”.

Hiện tại anh Tùng đi bán vé số kiếm tiền qua ngày, còn chị Trinh ở nhà nội trợ và chăm sóc bé Hoài An. Thi thoảng con khoẻ, chị tranh thủ đi bán phụ giúp chồng với hi vọng kiếm thêm được đồng rau đồng bánh.

“Chúng tôi nghèo và lắm bệnh tật nhưng sống lạc quan lắm. Tôi nghĩ buồn cũng phải sống, vui cũng phải sống nên cứ lạc quan. Tôi tin rằng sẽ có phép màu diệu kỳ đến với thằng nhỏ và ông xã”, chị Trinh tâm sự.