Nếu HĐXX đánh giá hành vi phạm tội bị cáo phải chịu mức án không quá 3 năm tù thì có thể xem xét cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 BLHS.

Phiên tòa vụ án chuyến bay giải cứu đã bước vào giai đoạn nghị án kéo dài. Theo thông báo của tòa, ngày 28-7 tới, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết đối với từng bị cáo.

Trong số 54 bị cáo bị xét xử, có người bị VKS đề nghị mức án rất nặng như bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế (tử hình), bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (18-19 năm tù), bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (12-13 năm tù)…

Những ai có thể không bị 'ngồi tù' vụ chuyến bay giải cứu?  ảnh 1

Các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, xét mức độ, tính chất hành vi và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, VKS cũng đã đề nghị HĐXX cho 5 bị cáo được hưởng án treo, điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng các bị cáo này sẽ không phải thực hiện bản án trong tù, nếu như HĐXX đồng ý với quan điểm của VKS.

Ngoài ra với những bị cáo khác, trường hợp HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo phải chịu mức án không quá 3 năm tù thì vẫn có thể cho hưởng án treo nếu hội đủ thêm các điều kiện khác, theo quy định tại Điều 65 BLHS.

Trong lần đầu đề nghị mức án vào ngày 17-7, VKS chỉ đề nghị cho 1 bị cáo được hưởng án treo, đó là bị cáo Đào Thị Chung Thúy (lao động tự do).

Bị cáo Thúy bị xét xử với cáo buộc đưa hối lộ được Lý Tiến Hùng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga số tiền 18.900 USD (tương đương 437 triệu đồng) để đưa 56 cá nhân là du học sinh, người thân, người quen của bị cáo về nước trên 2 chuyến bay.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo Thúy nhìn nhận rằng bị cáo là người được đề nghị mức án nhẹ nhất (12-14 tháng tù nhưng cho hưởng án treo). Với những tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, tự thú, bị cáo xin HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng khoản 7 Điều 364 BLHS, xin được miễn trách nhiệm hình sự.