Vùng đất Bắc Giang gây ấn tượng với du khách bởi một số đặc sản ẩm thực độc đáo, ngon miệng. Trong đó có 5 món dân dã: Gỏi cá, nộm cá, lươn om, nem nướng và các món ếch khiến ai đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Ếch được người dân chế biến thành nhiều món ăn ngon. Món ếch xào dễ làm và không kén người thưởng thức, thường chỉ sử dụng phần đùi của ếch xào với lá xương sông, lá lốt cùng tương. Riêng món ếch băm viên rán chả dùng nguyên con băm nhuyễn, sau đó trộn trứng gà (hoặc vịt), mộc nhĩ, hành, muối và hạt tiêu, vo viên tròn và cho vào chảo dầu nóng rán vàng. Món này ăn kèm các loại rau sống và dùng nước mắm pha ngọt để chấm. Món ếch nhồi có phần nguyên liệu giống ếch băm viên rán chả nhưng cách chế biến cầu kỳ hơn. Da ếch được lột khéo léo, sao cho giữ nguyên được phần thịt ếch thơm ngon. Phần thịt, xương được băm nhuyễn và trộn chung với trứng gà, mộc nhĩ, hành, muối và hạt tiêu  rồi nhồi vào da ếch, hấp cách thủy, sau đó cho vào chảo rán vàng.

Món gỏi cá mè được chế biến khá công phu, phải là những người có kinh nghiệm và sành ăn mới có thể thực hiện thành công. Nếu cẩn thận, có thể cho phần thịt cá đã róc xương vào ngâm trong rượu trắng khoảng 40 độ trong vòng 2 đến 3 phút. Sau đó, vớt ra cho ráo rượu, thấm khô, rút hết xương dăm rồi dùng giấy thấm gói cá ủ vào trong gạo khoảng 2-3 tiếng thì đem ra thái. Khi thái cá phải dùng dao thật sắc, thái vát để tạo thành từng miếng to, mỏng. Thái từ trong ra, đến phần da cá thì để lại. Cá thái trộn đều với bột riềng và bột đỗ tương rang, xay thành thính, dùng giấy cứng bọc kín để riềng thẩm thấu vào cá. Làm ra gỏi cá đã công phu nhưng thưởng thức gỏi cá còn là cả một nghệ thuật.

Thực khách dùng bánh đa nem hoặc trực tiếp dùng lá nhội, lá lộc vừng, lá sung, lá vọng cách để gói. Đặt miếng cá vào giữa rồi cuộn lại, chấm với nước chấm đặc trưng (đầu cá băm nhỏ trộn đều cùng nước riềng, tương, mẻ, muối rồi đun nhỏ lửa, quấy liên tục cho tới khi đặc như bánh đúc). Vị ngọt thơm của cá gỏi, mằn mặn, cay cay, beo béo của nước chấm hòa quyện với mùi vị của các loại rau thơm, cộng thêm một chén rượu gạo làng Vân nồng đượm hồn quê, chắc thực khách sẽ cảm thấy phấn chấn trước một món ăn lạ lùng và kỳ thú đến như vậy.

Nộm cá làm bằng cá mè hoặc trắm còn tươi sống. Sau khi làm sạch, lược hết xương, thái chỉ, cá được trộn với quả trám xắt nhỏ, củ chuối tiêu non, lá gừng, khế chua đập dập, tương, sau đó cho thêm các loại gia vị cần thiết như mắm, muối, bột ngọt. Khi ăn, thực khách sẽ cuốn chung với lá sung cho vị thơm thơm, béo và bùi. Thông thường người dân nơi đây làm món này vào giai đoạn tháng 8, tháng 9, ngay vào mùa trám đen. Quả trám là nguyên liệu quan trọng trong quá trình chế biến nộm cá, nếu thiếu thì món ăn sẽ không còn mùi vị thơm ngon và đặc biệt nữa.

Với món lươn om, trước tiên, đậu được rán, kết hợp thịt ba chỉ thái nhỏ xào và chuối xanh cắt khoanh, thêm củ sả, tương, mẻ và gia vị muối mắm. Tất cả được đưa vào nồi om. Riêng lươn sau khi làm sạch, thái đoạn ngắn rồi cho vào nồi tiếp tục om chín. Món ăn được dọn ra có mùi thơm của sả, tương, mẻ hòa trong từng miếng lươn béo ngậy rất hấp dẫn và kích thích vị giác.

Nem nướng được làm từ thịt nạc và bì lợn. Sau khi bì thái sợi nhỏ, cùng với thịt nạc sẽ được trộn lẫn với thính gạo rang vàng, muối, tiêu xay. Phần lá ổi non cuộn lại vào giữa thịt, lá vông lót bên ngoài. Cuối cùng, nem được gói trong lá chuối khô, bên ngoài lại bọc tiếp một lớp lá chuối tươi. Khi gói, người làm phải bẻ góc sao cho bên ngoài nem trông đẹp như bánh tẻ. Nem sau khi gói và ủ khoảng một ngày, trước khi ăn phải nướng cháy vàng lá tỏa mùi thơm thì món ăn mới hấp dẫn.