Với gần 50 ha đất nuôi tôm công nghệ cao, mỗi năm ông Lê Văn Sấm, 65 tuổi (Thạnh Hải, Thạnh Phú) thu lãi 30-50 tỷ đồng.

Trưa tháng 10, từ căn biệt thự tiền tỷ mới cất, ông Ba Sấm chạy xe máy khoảng 2 km đến khu vực ao nuôi mới rộng 5 ha kiểm tra tiến độ công việc. Tại khu vực trại, một nhóm gần 10 công nhân cùng máy xúc đang đào đất đắp bờ bao.

Hai ao nuôi, mỗi ao diện tích 1.600 m2 đã trải bạt đáy và xong hệ thống dây căng mái che, ba ao còn lại đang hoàn thiện công đoạn san phẳng đất đáy ao, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Cạnh đó, trạm điện kinh phí gần một tỷ đồng đã lắp xong.

Các ao nuôi công nghệ cao của ông Ba Sấm được phủ mái che màu trắng nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Nam

Các ao nuôi công nghệ cao của ông Ba Sấm phủ mái che màu trắng. Ảnh: Hoàng Nam

Diện tích đất này được ông Ba Sấm mua lại từ vụ tôm trúng năm ngoái, thêm chi phí cải tạo sau hơn một năm, tổng cộng khoảng 15 tỷ đồng. Nhìn từ trên cao các khu đất nuôi tôm công nghệ cao của ông với hệ thống bạt che trắng toát nổi bật giữa các ao nuôi quảng canh truyền thống.

“Dự kiến 2 tháng nữa các ao này sẽ thả vụ đầu tiên và thu hoạch sau 4 tháng”, ông Sấm nói.

Quê gốc xứ biển, như bao nông dân khác gia đình ông Sấm gắn bó với con tôm từ 20 năm trước, khi nghề nuôi ở địa phương còn chưa phát triển. Gia đình có 5 ha ao tôm nuôi theo kiểu truyền thống, những năm đầu vụ tôm cho lợi nhuận tương đối.

Các vụ sau đó, do thiếu kinh nghiệm xử lý nước cùng con giống, các ao tôm bị nhiễm bệnh, chết, ông Sấm thua lỗ nhiều vụ liên tiếp, vay mượn nhiều nơi. Đã có lúc ông định bán đất, nhà, bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực khác.

Tuy nhiên chứng kiến nhiều nông dân Cà Mau, Bạc Liêu trúng lớn khi nuôi tôm công nghệ cao, ông xin theo các kỹ sư của công ty thức ăn thủy sản đến tận nơi học hỏi.

Ông Ba Sấm vừa kiểm tra tiến độ công việc tại ao tôm, vừa liên tục nghe điện thoại từ các đối tác. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Ba Sấm kiểm tra tiến độ công việc tại ao tôm, vừa nghe điện thoại từ các đối tác. Ảnh: Hoàng Nam

Lão nông khi ấy được mở mang tầm mắt chứng kiến toàn bộ hệ thống ao nuôi được phủ bạt đáy, mái che phía trên kiểm soát được nắng, gió, dịch bệnh, tỷ lệ thành công đến 90%. Song đi kèm với lợi nhuận cao, cách nuôi này chi phí đầu tư ban đầu khá đắt đỏ.

“Mỗi ha đất chỉ có thể nuôi 1.000-2.000 m2, diện tích còn lại đầu tư đường, ao lắng, ao sẵn sàng, tổng chi phí khoảng một tỷ đồng, cao gấp 20 lần ao nuôi truyền thống”, ông Sấm chia sẻ.

Không dám mạo hiểm, ông Sấm tiến hành thử nghiệm nuôi 2 ao, mỗi ao 1.000 m2. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, vụ đầu tiên tôm cho năng suất 8-9 tấn mỗi ao, ông Sấm thu lãi 1,6 tỷ đồng.

Những năm tiếp theo, ông tiếp tục duy trì chiến lược thận trọng, không đầu tư ồ ạt một lần mà lấy tiền lãi từ vụ trước mua thêm đất, mở rộng diện tích ao nuôi dần.

Xuất thân là cán bộ nhà nước về hưu, không có kinh nghiệm trong ngành thủy sản nên ông vừa làm vừa đúc kết sau mỗi vụ, tự thiết kế ao nuôi tùy theo đặc điểm khu đất.

Ông Ba Sấm viện dẫn nhiều hộ nuôi tôm được khuyến cáo nên đào ao tròn với mục đích kiểm soát tốt môi trường nước, oxy cho tôm. Tuy vậy nhiều năm nay ông vẫn chọn ao chữ nhật truyền thống. Bởi theo ông, khi đã nắm chắc kỹ thuật, ao truyền thống sẽ tiết kiệm diện tích 4 góc khoảng 300-400 m2 so với ao tròn.

Vụ thu hoạch tôm tại trang trại của gia đình ông Lê Văn Sấm. Ảnh: Hoàng Nam

Vụ thu hoạch tôm tại trang trại của gia đình ông Lê Văn Sấm. Ảnh: Hoàng Nam

Theo lão nông, nuôi tôm công nghệ cao có thể nuôi một năm 2 vụ, thời gian còn lại dùng để xử lý ao. Bình quân, chi phí đầu tư cho một kg tôm khoảng 80.000 đồng. Với giá tôm bình quân 130.000 đồng một kg loại 30 con, mỗi kg tôm nông dân thu lãi 30.000-70.000 đồng.

Sau hơn 10 năm kiên trì với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Ba Sấm hiện sở hữu cơ ngơi gần 50 ha đất. Mỗi ha diện tích mặt nước cho năng suất 50-70 tấn, có thời điểm 100 tấn, trừ chi phí, một năm ông thu lợi nhuận 30-50 tỷ đồng. Ông vừa nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân Bến Tre, nhận định ông Sấm là một trong những hộ nuôi tôm công nghệ cao thành công đầu tiên của tỉnh. Các trại tôm của gia đình ông cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương, lương bình quân 7-9 triệu đồng mỗi người một tháng.

Bến Tre hiện có trên 2.800 ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao tập trung tại các huyện ven biển như Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri.