Các sao Việt cho con theo học những trường công lập với mức học phí “hạt dẻ” và những lý do họ đưa ra khiến cộng đồng mạng phải gật đầu khen ngợi với cách dạy con này.

Việc hoạt động trong showbiz sẽ giúp các nghệ sĩ có được thu nhập khá cao, thế nhưng không phải ai sau khi lập gia đình rồi cũng mạnh tay chi tiền cho con học trường quốc tế học phí lên đến vài trăm triệu/năm. Nhiều người chọn phương án cho con học các trường công lập để con dễ hòa nhập và có điều kiện phát triển tự nhiên hơn.

Diễn viên Vân Trang

Vân Trang là một trong những diễn viên đình đám của Việt Nam và có thu nhập từ việc hoạt động nghệ thuật không hề thấp. Hiện cô đã là bà mẹ 3 con, trong lễ Khai giảng của con gái lớn, nữ diễn viên khá hào hứng khi đưa con đến trường.

Được biết, Vân Trang cũng cho con học trường công lập với mức học phí bình dân vì cô muốn dạy con tính tự lập, bình đẳng và tiết kiệm. Vân Trang nổi tiếng là bà mẹ nghiêm khắc, rất chú trọng đến vấn đề giáo dục các con khi vừa bước vào độ tuổi đến trường.

Năm ngoái, trước ngày con gái lớn vào lớp 1, Vân Trang cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng đã lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Đây có lẽ là cảm xúc của bất kì bà mẹ nào cũng phải trải qua khi cùng con bước vào một hành trình mới.

Gia đình Lý Hải – Minh Hà

Là ca sĩ nhưng Lý Hải còn nổi tiếng với vai trò kinh doanh khi sở hữu trong tay 4 công ty. Ngôi nhà của anh cũng được định giá lên đến 2 triệu USD. Tuy nhiên, cách nuôi dạy con của vợ chồng Minh Hà – Lý Hải lại khiến nhiều người ngạc nhiên.

Hai vợ chồng không cho các bé học trường quốc tế hoặc dân lập mà lại cho con học trường công lập. Minh Hà chia sẻ, tính riêng tiền học phí từng tháng của mỗi bé thì vào khoảng 1 triệu đồng. Giải thích về việc vì sao lại cho con đi học trường công lập thay vì trường quốc tế như nhiều nhà nghệ sĩ khác, Minh Hà cho hay, vì từ nhỏ cô cũng học trường công lập nên thấy môi trường cũng tốt, rèn luyện được nhiều đức tính tốt cho trẻ.

“Các trường công lập hiện tại như trường các con tôi học đều rất tốt, có không gian cho các bé chơi, đầy đủ dụng cụ học tập. Chỉ có một bất lợi ở trường công lập là hơi đông học sinh một chút nhưng cả 3 bé nhà tôi đều được hướng dẫn tự lập ở trường, giúp các bé trưởng thành hơn rất nhiều” – Bà mẹ 4 con chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ Xuân Bắc

Xuân Bắc vốn được biết đến là một danh hài, MC nổi tiếng nhất nhì khu vực phía Bắc, luôn duy trì được sức nóng của mình dù đã hoạt động nghệ thuật nhiều năm. Dù vậy, với hai cậu con trai là Minh và Bi Béo, anh không lựa chọn một ngôi trường đắt đỏ hay mang yếu tố quốc tế cho con ngay khi vào tiểu học. Anh chỉ cho con học tại trường tiểu học Quang Trung, một ngôi trường công lập trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vậy nên, học phí mà Xuân Bắc phải đóng hàng tháng cho con trai chỉ nằm ở mức học phí chung với các trường công lập khác.

Có thể thấy, nghệ sĩ Xuân Bắc không chạy theo thị hiếu của phụ huynh đưa con vào những trường quá nổi tiếng với mức học phí trên trời mà để các con học ở những ngôi trường có học phí vừa phải nhưng chất lượng giáo dục luôn được kiểm chứng.

Trong một buổi giao lưu với học sinh, nghệ sĩ Xuân Bắc khẳng định quan điểm dạy con: “Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số. Tôi chỉ hỏi vì sao”.

Ca sĩ Đăng Khôi

Gia đình Đăng Khôi – Thủy Anh là một trong những gia đình nghệ sĩ đình đám của showbiz Việt. Brên cạnh việc sở hữu nhiều khối bất động sản giá trị khủng sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, nam ca sĩ và bà xã cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của người hâm mộ khi thường xuyên chia sẻ cách dạy con khéo léo trên mạng xã hội.

Dù được mệnh danh “giàu nứt đố đổ vách” nhưng Đăng Khôi – Thủy Anh lại cho con trai học ở trường công lập. Khi theo học trường công lập, tính cả chi phí bán trú và tiền sinh hoạt thì một tháng, bộ đôi chỉ cần chi trả chưa đến 10 triệu đồng, khác biệt hoàn toàn so với số đông sao Vbiz cho con theo học trường quốc tế.

Bà xã Đăng Khôi từng giải thích về điều này, vợ chồng cô muốn đề cao những giá trị truyền thống và hướng con theo chương trình giáo dục Việt Nam, thay vì môi trường quốc tế.

Vẫn có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc nên cho con theo học trường công lập hay quốc tế, tuy nhiên điều này còn tùy vào định hướng của gia đình và năng lực học tập của trẻ. Dưới đây là những ưu, nhược điểm khi cho con đi học trường công lập.

Ưu điểm

– Mức học phí phù hợp với hầu hết gia đình Việt Nam: Tùy vào các trường, các vùng miền thành phố hay là nông thôn mà có khoản đóng góp khác nhau nhưng về có bản kinh phí mà các bậc phụ huynh phải trả khi cho con học trường công là thấp.

 Chương trình giáo dục chuẩn và truyền thống: Phù hợp với những gia đình có định hướng cho con em học tập và làm việc tại Việt Nam trong tương lai.

– Đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm giáo dục nhiều năm: Đội ngũ giáo viên khi làm việc tại các trường công lập hầu hết là các thầy cô được tuyển từ những trường đại học uy tín, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, đã giảng dạy cho rất nhiều lứa học sinh cho lên kinh nghiệm của các thầy cô là rất phong phú.

– Chương trình giáo dục chuẩn Quốc gia: Học sinh học tập dựa trên chương trình giáo dục được nhà nước đề ra mang tính chất chuẩn quốc gia đã được giảng dạy qua nhiều thế hệ và cũng liên tục được đổi mới, cải cách kiến thức cho phù hợp với sự phát triển của đất nước và xã hội hiện đại.

NSƯT Xuân Bắc: “Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số và chỉ hỏi vì sao?”

Trên đây là chia sẻ của nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc tại diễn đàn “Điều con muốn nói”, do Hội đồng đội T.Ư phối hợp Báo Tiền Phong, Sở GD- ĐT và UBND quận Ba Đình vừa tổ chức tại Hà Nội.

NSƯT Xuân Bắc đưa ra các câu hỏi cho học sinh tại diễn đàn (Ảnh: N.Hà).

“Tôi không bao giờ mắng con về điểm số”

Tham gia diễn đàn, NSƯT Xuân Bắc cũng dành cho các bạn học sinh của Trường THCS Giảng Võ những câu hỏi gần gũi, tâm lý: “Bao nhiêu bạn có cảm giác nhiều lúc bố mẹ không hiểu gì mình?”, “Có bao nhiêu chuyện mà các em nói với bố mẹ mà bố mẹ không quan tâm đầy đủ?”…

Em Trần Minh Tâm – học sinh lớp 9 Trường THCS Giảng Võ thừa nhận, trong thời gian đầu học trực tuyến cảm thấy thoải mái, tự do nhưng cũng vì thế mà thấy buông lỏng hơn trong quá trình học tập và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học và khả năng tiếp thu bài của em.

“Sau khi trở lại học trực tiếp, kết quả bài thi sẽ có thể bị ảnh hưởng. Điều này thực sự rất đáng lo, nhất là khi em sắp bước vào kỳ thi cấp 3 căng thẳng.

Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch Covid-19, em luôn mong muốn và hi vọng có thể quay trở lại trường học sớm nhất để gặp thầy cô bạn bè”, học sinh Trần Minh Tâm nhớ lại.

Trước câu hỏi những ai có áp lực về điểm số, rất nhiều cánh tay học sinh đã giơ lên (Ảnh: N.Hà).

Học sinh khác tâm sự: “Điều bất lợi khi em mới học online là không quen sử dụng các thiết bị điện tử nhưng sau vài ngày em đã quen. Có điều, do học trực tuyến trong thời gian dài em cảm thấy mệt mỏi, đau mắt. Kết quả là phải dùng kính cận”.

“Lần đầu tiên học online em có cảm giác thiếu tập trung, khác hẳn với học trực tiếp trên trường. Mỗi khi có trục trặc về đường truyền, việc tiếp thu bài học sẽ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, em cũng không thể gặp hay trò chuyện với các bạn trong lớp”, một em học sinh nói.

Đặc biệt, tại diễn đàn, một học sinh đặt câu hỏi với NSƯT Xuân Bắc: “Giả sử con trai chú thi học kỳ điểm không như kỳ vọng của gia đình, chú sẽ nói gì với con?”.

NSƯT Xuân Bắc cho rằng: “Trên hành trình các con trưởng thành, cha mẹ cũng trưởng thành với vai trò làm cha làm mẹ. Làm cha mà áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái thì mình không đúng.

Tôi có hai điều mong muốn các con của mình có là nhận thức và ý thức. Khi các con nhận thức được thì sẽ có kiến thức; ý thức được việc học tập thì sẽ tự giác học.

Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số. Tôi chỉ hỏi vì sao. Đôi khi những câu hỏi đó cũng đã khiến các con bật khóc”.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng cho rằng, các bạn trẻ cũng đừng cho mình quyền được sinh ra và nghĩ bố mẹ phải phụng sự. Thay vào đó, các con hãy tự cho mình quyền được yêu thương và chia sẻ với bố mẹ.

Cũng theo nghệ sĩ này, do đặc thù công việc, anh hay phải thức khuya nên không phải sáng nào anh cũng đưa các con đi học.

Chính vì vậy, NSƯT Xuân Bắc mong các bạn học sinh hiểu rằng, việc bố mẹ đưa các con đi học mỗi sáng là một sự cố gắng rất lớn của các bậc phụ huynh.

“Không phải lúc nào bố mẹ cũng đủ điều kiện để chăm lo cho các con nhưng lẽ sống của bố mẹ chính là các con và tình yêu của cha mẹ dành cho các con là vô bờ bến” – anh nói.

Theo NSƯT Xuân Bắc, các con hãy tự cho mình quyền được yêu thương và chia sẻ với bố mẹ (Ảnh: N.Hà).

Áp lực từ đâu, giải quyết ở đó

Trao đổi thêm về áp lực của học sinh sau giai đoạn học trực tuyến, bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ thừa nhận, khi đón học sinh trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19, cô trò vui mừng, hạnh phúc.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khó khăn mà nổi bật và rõ nét nhất là do các con đã quen với thiết bị điện tử nên khả năng tập trung của học sinh kém hơn khi quay trở lại trường.

Thứ hai là khả năng quản lý cảm xúc của các em học sinh cũng không được tốt như trước đây.

Cụ thể, các em hay bị nóng giận, căng thẳng và bị áp lực. Thật sự hầu hết các em học sinh cũng chưa biết cách chuyển hóa những căng thẳng, lo âu ấy.

Chỉ cần một tác động nhỏ từ ngoại cảnh, cũng dễ khiến các em nảy sinh những hành động, lời nói bột phát, thậm chí là suy nghĩ tiêu cực.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP Hà Nội cũng nhận định, áp lực tâm lý sau dịch Covid-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.

Ông Sơn chỉ ra các áp lực là các em đang đối mặt, áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng.

Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.

Tiếp theo, là áp lực từ cuộc sống và cả áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao, sẽ có một bộ phận phải “vượt sướng để thành công”…

“Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp”, ông Sơn nói.

PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam, Trường ĐH Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhắn nhủ học sinh, hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email;… hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực.