Sau hơn ba năm tạm dừng, Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam – nhà đầu tư dự án chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sẽ thi công trở lại cống Bến Nghé từ 1/6/2024.

Cống kiểm soát triều Bến Nghé thuộc Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I (thuộc Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) được nhà đầu tư cho biết đã thi công cống đạt 97% khối lượng, tuy nhiên dự án đã phải tạm dừng thi công hạng mục thảm đá gia cố lòng sông và hoàn thiện nhà quản lý, cảnh quan từ ngày 15/11/2020 cho đến nay.

Truyền thông loan trong ngày 23/5, dựa theo nội dung công văn của Công ty Trung Nam gửi Uỷ ban nhân dân TPHCM. Nội dung công văn thể hiện thời gian thi công dự kiến hoàn thành trong bốn đến sáu tháng.

Chủ đầu tư cho biết do kéo dài thời gian thực hiện Dự án nên phát sinh chi phí lãi vay, tổng mức đầu tư tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng. Trong đó, phần lãi vay tăng từ 410 tỷ đồng lên thành 2.843 tỷ đồng do dự án chậm tiến độ kéo dài.

Do đó, phía nhà đầu tư đề nghị trong thời gian chờ ủy thác từ ngân sách Thành phố cho Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) để cho nhà đầu tư vay thi công thì doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà thầu để tạm ứng trước nguồn vốn khác thi công trước cống kiểm soát triều Bến Nghé.

Ngay khi có nguồn vốn ủy thác, doanh nghiệp sẽ vay vốn để thi công hoàn thành tổng thể các hạng mục khác của toàn dự án.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM giai đoạn I (tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng), được khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn đến nay dự án kéo dài thêm sáu năm vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng. Trước đây, khi triển khai dự án này, lãnh đạo TPHCM kỳ vọng, dự án chống ngập bằng kỹ thuật qua sáu cống ngăn triều sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân TP.HCM.

Sở Xây dựng TPHCM mới đây cho biết luỹ kế từ năm 2021 đến nay thành phố chỉ mới giải quyết được 5/18 điểm ngập do mưa. Bên cạnh các tuyến đường ngập do mưa, thành phố còn năm tuyến đường thường xuyên ngập nặng do triều cường.